Thực phẩm tự cung, tự cấp liệu có an toàn tuyệt đối?
Nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe của người dân Hà Nội ngày càng tăng cao, thị trường thực phẩm sạch ngày càng sôi động, thậm chí nhiều người còn tự cung tự cấp. Có một thực tế, nhiều người tưởng được dùng đồ ăn sạch mà chưa chắc đã sạch thực sự.
Tâm lý “cây nhà lá vườn” là đảm bảo nhất
Hoang mang trước nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm trên thị trường, nhiều người dân Thủ đô chuyển hướng sang tự trồng rau, nuôi gà, nuôi cá… để phục vụ nhu cầu bữa ăn gia đình. Họ tận dụng tối đa những mảnh đất trống xung quanh nhà từ ban công, vỉa hè, chân cầu, bờ mương… Các thùng xốp, xô chậu bị vỡ, sứt mẻ vốn là đồ bỏ đi trước đây đều trở nên hữu dụng. Người thì đầu tư hàng chục triệu đồng để làm giàn trồng rau, chuồng nuôi gà, bể thả cá trên sân thượng.
Những vườn rau tự cung tự cấp |
Chỉ cho chúng tôi xem một giàn thùng nhựa trồng mỗi loại một ít rau húng láng, hành hoa, rau muống, rau đay, mồng tơi, mướp đắng… đang đua nhau vươn ngọn ở sân thượng khoảng 40m2, bà Lành (ở Đống Đa, Hà Nội) tự hào khoe: “Nhìn nhỏ nhỏ vậy thôi chứ nhà tôi luân phiên hái xuống nấu không mấy khi phải mua rau ở ngoài rồi đấy.
Rau nhà trồng nên yên tâm không phân bón hóa học, thuốc kích thích gì hết, chứ mua bên ngoài chẳng biết đường nào mà lần. Tôi đi chợ thấy quảng cáo "gà quê sạch 100%", "rau nhà sạch", lên mạng thì ai cũng nói sản phẩm của mình là hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP nhưng không thấy tận mắt, tôi không dám tin”.
Bên cạnh vườn rau “xen canh thập cẩm”, bà Lành còn đầu tư hẳn 3 bể thả cá. “Tôi thường mua cá trắm cỏ, rô phi, cá quả ở chợ về thả vào bể, hàng ngày chỉ cho ăn cơm nguội, khoảng chừng 2 tháng thì dùng vợt bắt cá lên chế biến món ăn vừa được ăn cá chắc, thơm vừa yên tâm hơn”, bà Lành hồ hởi nói với chúng tôi.
Bà kể thêm: “Vào những ngày nắng nóng gay gắt cứ 8 - 9 giờ sáng tôi kéo lưới đen tạo bóng râm cho cá và rau, đến 5 - 6 giờ chiều lại thu vào để chúng đón nắng, thoáng khí. Hàng ngày tưới rau, chăn cá chiếm khá nhiều thời gian, khiến tôi bận như “chăm con mọn” nhưng đó cũng là một niềm vui!”.
Đàn gà trên sân thượng |
Chung tâm lý với bà Lành, chị Ngọc (ở phố Kim Giang, Hà Nội) cũng cặm cụi vun xới mấy khoảnh đất nhỏ cạnh bờ sông Tô Lịch trồng rau. “Tôi nghĩ “cây nhà lá vườn” là tốt nhất, vừa ngon vừa sạch. Chỉ khi giáp hạt, rau chưa kịp lứa hái tôi mới mua rau bên ngoài nhưng cũng phải vào các siêu thị uy tín”, chị Ngọc chia sẻ.
Vợ chồng bác Cường (ở quận Hà Đông, Hà Nội) đã đầu tư làm chuồng nuôi gà trên sân thượng. Bác tâm sự: “Bác mua giống gà gi ở cửa hàng về nuôi bằng cám công nghiệp trong 2 tháng đầu. Sau đó, tôi chăn nuôi hoàn toàn bằng cám ngô, thóc, cơm nguội và rau. Tôi phải để ý tiêm, trộn thuốc kháng sinh, vitamin để phòng bệnh hay đàn gà có con bị khò khè, kém ăn. Hàng ngày, nhà tôi dọn rửa chuồng sạch sẽ. Chăn nuôi cũng nhiều công phu nhưng được ăn trứng và gà chắc, ngọt, sạch thì cũng cố gắng”.
Người dân tự trồng rau, nuôi gà, thả cá để cung cấp thực phẩm cho gia đình có thời điểm trở thành phong trào nhưng có một thực tế, nhiều người tưởng là được ăn thực phẩm sạch mà chưa chắc đã phải.
Cần hiểu đúng về thực phẩm sạch
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), rau tự trồng nếu không đảm bảo tốt mọi khâu từ hạt giống, đất trồng, nước tưới, môi trường sống sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn rất lớn, nhất là rau được trồng ở vỉa hè, bờ sông gần nguồn nước ô nhiễm…
Để trồng rau trong các hộp xốp, người dân thường ra các bãi đất trống lấy đất về trồng mà không kiểm soát được loại đất đó có bị ô nhiễm hay không, vô hình chung lại trồng rau nhiễm độc mà không biết. Nếu đất bị nhiễm khuẩn thì khi trồng rau những chất độc hại sẽ theo đó mà đi vào theo đường hấp thụ của cây. Đất trồng phải không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, lượng kim loại nặng, hàm lượng nitrat, những vi sinh vật gây bệnh đều phải dưới ngưỡng thì mới đảm bảo an toàn.
Rau được trồng ven nguồn nước bẩn thì không chắc đảm bảo là rau sạch |
Bác sĩ thú y Đoàn Hồng Phong (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) cho biết: Việc người dân tự ý chăn nuôi một cách nhỏ lẻ, tự ý dùng kháng sinh, không kiểm soát được nguồn giống cũng là nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm. Đặc biệt, việc chăn nuôi diễn ra trong khu dân cư, hộ gia đình gây khó khăn cho công tác phòng, chống bệnh dịch ở gia súc, gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người và vật nuôi khác.
Trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thực phẩm sạch thường có quy trình khép kín, rõ ràng, đạt tiêu chuẩn, có mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Siêu thị, cửa hàng tiện ích có kiểm nghiệm thực phẩm đầu vào chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn. Đó là những “địa chỉ” thực phẩm sạch đáng tin cậy.
Rau tự trồng, gia súc, gia cầm tự nuôi không gây ngộ độc ngay sau khi ăn vài phút, vài ngày mà khi dùng một thời gian dài là nguyên nhân gây bệnh ung thư, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Việc người dân tự cung tự cấp thực phẩm cũng cần dựa trên hiểu biết nhất định về trồng trọt, chăn nuôi để không bị rơi vào cảnh “lợi bất cập hại” mất bao công chăm sóc, tưới bón mà vẫn không được ăn đồ sạch.