• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng các bệnh nhân đột quỵ nhập viện sau Tết

Trong các tháng mùa đông vừa qua, số lượng bệnh nhân vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tăng lên đáng kể, số ca nặng cũng tăng cao.

Những nguyên nhân gây đột quỵ cho người cao tuổi

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, từ mùng 4 Tết đến nay, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng, nhất là các bệnh nhân mãn tính và người cao tuổi. Nguyên nhân do thời tiết dịp Tết này khá lạnh cộng với thói quen sinh hoạt ngày Tết thay đổi bất thường.

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai ngày 30/1 cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 20/1 đến 27/1), tổng số bệnh nhân vào viện là 1.816 lượt, tăng cao gấp 2 lần so với các năm trước, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ nặng. Đáng chú ý, ngay mùng 1 Tết Quý Mão, tại Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện này đã có 3 ca đột quỵ rất nặng vào cấp cứu.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, trời lạnh là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Cùng với thời tiết, dịp tết nhiều người lười vận động, tập thể thao hơn, ăn uống mất kiểm soát hơn, đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, lạm dụng rượu bia cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến nhiều ca đột quỵ xảy ra. Theo chuyên gia, rượu là thủ phạm gây tiểu nhiều làm tăng độ nhớt máu, dễ tạo cục máu đông. Rượu cũng là nguyên nhân gây co mạch làm nóng bừng người gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.

Mâm cỗ Tết thường xuất hiện các món ăn giàu calo, nhiều dầu mỡ như bánh chưng, bánh tét, nem rán, giò xào (giò thủ), thịt đông, thịt kho trứng… cùng với đó là đủ loại bánh mứt kẹo, nước ngọt, nước có gas.

Theo chuyên gia, việc dùng nhiều những thực phẩm này sẽ góp phần làm tăng cân, tăng cholesterol xấu và tăng huyết áp. Đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch.

Ngoài ra, lối sinh hoạt không lành mạnh ngày Tết như ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động còn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông - căn nguyên gây đột quỵ tim; thức khuya, ngủ không đủ giấc hoặc bị gián đoạn giấc ngủ sẽ góp phần gây ra các vấn đề về huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim, đái tháo đường, đột quỵ.

Phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh

Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ đột quỵ tăng 80% vào mùa lạnh, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não đã kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ thiếu máu não cục bộ ở Hoa Kỳ và nhận thấy đột quỵ gia tăng đáng kể khi thời tiết lạnh hơn và đặc biệt khi nhiệt độ có sự dao động lớn.

Một nghiên cứu của Đức trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu nhận thấy rằng khi nhiệt độ giảm 2.9oC trong 24 giờ, đột quỵ não tăng 11% và đặc biệt, tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với những người có sẵn nguy cơ đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …

Thêm nữa, một nghiên cứu về khoảng 56.000 ca tử vong do đột quỵ não trong hơn 10 năm ở Sao Paolo, Brazil, cho thấy nhiệt độ giảm làm tăng số ca tử vong do đột quỵ não, đặc biệt là ở những người trên 65 tuổi.

Người cao tuổi dễ bị đột quỵ vào mùa đông
Người cao tuổi dễ bị đột quỵ vào mùa đông

Nguyên nhân có thể do nhiệt độ lạnh làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Lạnh cũng có thể làm máu cô đặc lại, khả năng dẫn đến hình thành cục máu đông. Mùa đông, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao hơn, đây cũng là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, trời lạnh gây nhiều căng thẳng stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều...

Bác sĩ BV Bạch Mai khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ, mọi người cần thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, cần lập tức liên hệ với bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc.

Người bệnh cần khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…

Cần tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm. Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo ý kiến của bác sĩ. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.

"Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều; Tránh căng thẳng, stress quá mức. Không hút thuốc lá, thuốc lào", PGS. TS. Mai Duy Tôn lưu ý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan