Điều cần biết về kế hoạch tiêm chủng năm 2023 của Hà Nội
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 183/KH-KSBT về triển khai hoạt động tiêm chủng thành phố năm 2023.
Ảnh: SYT Hà Nội. |
Năm 2022, hoạt động tiêm chủng mở rộng tại Hà Nội vẫn đang triển khai tiêm chủng các loại vắc xin miễn phí phòng 11 bệnh: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt đường uống và bại liệt đường tiêm, viêm màng não mủ, viêm đường hô hấp do Heamophilus Influenza typ B, sởi, viêm não Nhật Bản, Rubella. Đặc biệt, IPV đường tiêm đã bổ sung thêm mũi 2 cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi.
Tuy nhiên, năm 2022 nhiều loại vắc xin tiêm chủng mở rộng thiếu so với nhu cầu của thành phố trong bối cảnh chung của cả nước.
Để chủ động phòng bệnh, ngoài tiêm chủng miễn phí, người dân đã đưa con em đến tiêm chủng các loại vắc xin tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Trong năm 2023, mục tiêu chung là duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em và phụ nữ đạt quy mô xã, phường, thị trấn cao... đảm bảo tiêm chủng an toàn, chất lượng góp phần làm giảm tỷ lệ mắc/tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.
Về các hoạt động chuyên môn, tiếp tục thực hiện Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia và thực hiện báo cáo điện tử; 579 xã, phường, thị trấn tại 30 quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia;
100% các bệnh viện có khoa sản, phòng sinh có triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh, các bệnh viện phân cấp trên địa bàn triển khai tiêm chủng (bao gồm cả miễn phí và dịch vụ); 100% các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố thực hiện thống kê báo cáo tiêm chủng điện tử đúng và đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.
Các đơn vị chủ động tổ chức các cuộc điều tra đăng ký đối tượng 2 đợt/năm, đảm bảo 100% đối tượng tiêm chủng trên địa bàn được quản lý bằng phần mềm.
Tiếp tục thực hiện tiêm các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vắc xin mới (nếu có) theo chỉ đạo của Bộ Y tế; tổ chức các buổi tiêm chủng với tần số 2 lần/tháng đảm bảo an toàn, hiệu quả;
Tổ chức tốt hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng, trong đó duy trì hoạt động các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng tham gia cấp cứu ngoại viện, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, phối hợp và tạo mối liên kết giữa các cơ sở tiêm chủng với các bệnh viện để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, tránh xảy ra tử vong sau tiêm chủng;
Đồng thời, nâng cao chất lượng hệ thống giám sát bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phối hợp với hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm toàn thành phố thực hiện giám sát, phát hiện ca nghi ngờ; lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định ca bệnh; điều tra kỹ tiền sử tiêm chủng của trường hợp bệnh, tỷ lệ tiêm chủng của cộng đồng để đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Song song với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng, đặc biệt là sự cần thiết của việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Sử dụng nhiều hình thức truyền thông, mở rộng thêm kênh truyền thông nhằm tăng nguồn thông tin chính thống cho người dân.
CDC Hà Nội là đơn vị thường trực, xây dựng kế hoạch, tham mưu Sở Y tế trong việc chỉ đạo chuyên môn hoạt động tiêm chủng toàn thành phố; tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các tuyến trong hoạt động tiêm chủng mở rộng…