VFCA kiến nghị loạt giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) vừa có văn bản gửi Bộ tài chính đưa ra một số kiến nghị về giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo VFCA, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm hấp dẫn với tất cả các bên liên quan trên thị trường tài chính, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả đối với các doanh nghiệp, kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư, nguồn lực dồi dào để phát triển kinh tế quốc gia mà không gây áp lực đến bội chi ngân sách nhà nước…. nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
“Năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 16,6% GDP cho thấy tiềm năng huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh này rất cao. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các tác động tiêu cực từ các sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các Tập đoàn: Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát ... đã và đang bị xử lý, dẫn đến tâm lý lo lắng và đua nhau bán trái phiếu trước hạn của các nhà đầu tư; các doanh nghiệp tốt gặp khó khăn trong huy động vốn từ kênh này; các cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung xử lý hậu quả; thị trường tài chính đối mặt với nguy cơ rủi ro...”, văn bản của VFCA cho hay.
Để có thêm căn cứ cho các cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định chính sách phù hợp, VFCA, theo chức năng nhiệm vụ của mình mới đây đã tổ chức buổi tọa đàm “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vấn đề và khuyến nghị” và kết hợp với việc lấy ý kiến các hội viên, các doanh nghiệp và các chuyên gia. Trên cơ sở đó, Hiệp hội đề xuất một số khuyến nghị để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, đối với nhà nước, VFCA kiến nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường trong nước và quốc tế theo hướng: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tránh can thiệp hành chính và hình sự hóa các quan hệ thị trường, bảo đảm sự đồng bộ, chặt chẽ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý.
Các cơ quan nhà nước cũng cần giám sát sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong các văn bản hiện hành như: Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Cũng theo VFCA, cơ quan quản lý thị trường tài chính cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và minh bạch thông tin về tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các chủ thể tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bao gồm: giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm để đảm bảo các định chế tài chính như: các ngân hàng thương mại cần chuẩn hóa hoạt động của ngân hàng thương mại đầu tư, các công ty chứng khoán, các công ty bảo hiểm… thực hiện chuyên môn hóa các hoạt động mua, bán, môi giới các công cụ tài chính (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ) một cách chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, giám sát việc hành nghề, xử lý các vi phạm hành nghề của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp; phân loại, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với các doanh nghiệp phát hành theo Nghị định 153 và Nghị định 65, công bố thông tin kịp thời, minh bạch về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ đã vi phạm quy định để bảo đảm nhà đầu tư có thông tin đầy đủ, kịp thời giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, minh bạch, an toàn và bền vững.
Trường hợp vi phạm ở mức độ hành chính thì xử lý vi phạm hành chính, mức độ hình sự phải xử lý hình sự, phục hồi lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; có kênh phân phối sản phẩm tài chính thật chuyên nghiệp và hiệu quả.
Cũng theo hiệp hội, trong quá trình giám sát xử lý các sai phạm, không nên đánh đồng mà cần tách bạch chủ sở hữu doanh nghiệp với doanh nghiệp. Bên cạnh việc xử lý chủ sở hữu và các cá nhân sai phạm liên quan, đồng thời cần tính đến phương án tái cơ cấu tổ chức bộ máy quản trị, đầu tư, công nghệ để lành mạnh hóa doanh nghiệp, tiến tới tiếp tục phát triển bền vững.
Đối với doanh nghiệp, theo VFCA, để có nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, các doanh nghiệp chuẩn bị phát hành trái phiếu cần nghiên cứu kỹ để chuẩn bị đủ các điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm vừa huy động vốn đầu tư vào các dự án thành công, nhưng cũng phải chủ động quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu riêng lẻ có nguy cơ rủi ro cao, cần chủ động đàm phán với trái chủ: xem xét, bố trí nguồn lực để có thể trả nợ vay và lãi vay trái phiếu đúng hạn bảo đảm lợi ích cho các trái chủđồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian thu xếp hợp lý để phục hồi sản xuất, có khả năng trả nợ vay và lãi vay, tái cấu trúc nợ… lấy lại niềm tin của trái chủ, tránh gây bất ổn, mất trật tự, an ninh của xã hội.
Bên cạnh đó, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục đào tạo… cần tăng cường hoạt động nâng cao dân trí tài chính, từng bước trang bị kiến thức cơ bản về hoạch định tài chính cá nhân cho người dân, giúp các nhà đầu tư không chuyên nghiệp tránh rủi ro do thiếu hiểu biết về kiến thức tài chính.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, VFCA nhấn mạnh cần chủ động nâng cao nhận thức và hiểu biết để kiểm soát rủi ro, nhất là nhà đầu tư cá nhân vốn có ít lợi thế về thông tin và kỹ năng nghiệp vụ phân tích tài chính.
Cụ thể, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp có uy tín, đã có lịch sử phát triển bền vững trong nhiều năm. Lãi suất trái phiếu phát hành có thể không cao hơn nhiều lãi suất tiết kiệm nhưng an toàn, nhất là với nhà đầu tư ít kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ tính chuyên nghiệp của tổ chức tư vấn phát hành, đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, không nên bán tháo khi chưa hiểu rõ bản chất trái phiếu để tránh gây thiệt hại về tài chính cho bản thân..