ĐBQH đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cho rằng tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2025 là mục tiêu ngắn hạn nên không thể tìm các động lực mới, đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; giữ vững và mở rộng thị trường nội địa; đồng thời thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thúc đẩy phát triển kinh tế đêm...
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2025.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ Hà Nội |
Giữ vững thị trường nội địa, thực hiện chính sách thưởng xuất khẩu
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, năm 2024, GDP nước ta ước tính tăng 7,09%, tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN với GDP năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD; quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, là nền kinh tế lớn thứ 32 trên thế giới.
Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,0% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, riêng Hà Nội tổng thu ngân sách 4 tháng năm 2025 ước thực hiện 310,2 nghìn tỷ đồng, đạt 61,4% dự toán, bằng 1/3 tổng thu ngân sách cả nước.
"Đây là dư địa rất lớn để chúng ta thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2025 là mục tiêu ngắn hạn, nên chúng ta không thể tìm các động lực mới mà vẫn phải dựa vào những động lực hiện hữu đang đóng góp vào tăng trưởng hiện nay.
Do vậy, những giải pháp cấp bách để tăng trưởng những tháng còn lại phải hướng vào các giải pháp tức thời để làm thế nào để ngăn chặn giảm xuất khẩu và tăng đầu tư, tiêu dùng.
![]() |
ĐBQH Hoàng Văn Cường |
Ngoài các biện pháp Chính phủ đã và đang tích cực triển khai, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất bên cạnh việc đàm phán với Hoa Kỳ thì vẫn phải giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới Trung Đông và Châu Âu. Đồng thời, cần áp dụng chính sách thưởng xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu bù đắp phần sụt giảm do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
"Bên cạnh những giải pháp đa dạng hoá, mở rộng thị trường xuất khẩu như Chính phủ đã chỉ đạo, tôi đề nghị áp dụng ngay chính sách trợ giúp cho các đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm bằng hình thức thưởng xuất khẩu. Thu ngân sách đang tăng và bội chi thấp, dư địa ngân sách còn lớn, nên cần dùng ngân sách hỗ trợ cấp bách cho những đơn hàng xuất khẩu, nhưng không vi phạm quy định tài trợ bán phá giá vì hỗ trợ dưới hình thức thưởng trong một thời điểm cá biệt", ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích.
Đại biểu cũng cho rằng, phải giữ vững thị trường nội địa, ngăn chặn buôn lậu, hàng từ các nước không xuất khẩu sang Mỹ chảy vào Việt Nam, đội lốt hàng Việt; đồng thời, cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tăng khách du lịch quốc tế thông qua miễn phí thị thực, rút ngắn thời gian cấp thị thực, thí điểm miễn thị thực cho tất cả khách du lịch đến Phú Quốc và thưởng các hợp đồng lưu trú khách du lịch từ các thị trường ưu tiên...
![]() |
ĐBQH Nguyễn Thị Lan |
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, cần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm bằng các chính sách hỗ trợ mặt bằng, miễn thuế, nới lỏng các biện pháp kiểm soát, không giới hạn thời gian các hoạt động kinh tế đêm ở các trung tâm du lịch. Trong đó, giao cho các các địa phương phải hình thành không gian phát triển kinh tế đêm tại các trung tâm du lịch với chính sách được miễn tiền thuê hoặc ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền thuê mặt bằng tại khu vực thuận lợi cho khách du lịch có thể lui tới, tương đối tách biệt so với các khu dân cư và các khu vực hành chính; miễn tiền thuế cho những người đến kinh doanh ban đêm phục vụ khách du lịch, với điều kiện tuân thủ chặt chẽ kiểm soát về vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự...
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tăng trưởng nóng thông qua thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất cần thúc đẩy đầu tư công tạo lan tỏa lôi kéo thu hút đầu tư tư thông qua cơ chế đặt hàng của Chính phủ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư công; chủ động hướng dẫn, định hướng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý.
Ứng dụng khoa học công nghệ để tạo đột phá phát triển nông nghiệp
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan nêu một số ý kiến để tiếp tục đột phá phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới.
Theo phân tích của đại biểu, một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là phần lớn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp - bao gồm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, máy móc và thiết bị chế biến - vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu từ nước ngoài.
Do vậy, trong thời gian tới phải lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại để phát huy các ngành lợi thế của địa phương, hình thành các vùng nguyên liệu ổn định và đủ lớn.
"Đặc biệt, việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; hạn chế tiến tới xóa bỏ xuất khẩu nông sản thô, hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
![]() |
ĐBQH Bùi Hoài Sơn |
Đồng thời, đại biểu cho rằng chúng ta cần xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết trách nhiệm và quyền lợi hợp lý giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tiếp tục có chính sách đột phá thu hút doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào ngành chế biến nông sản và các doanh nghiệp này giữ vai trò là chủ chốt trong chuỗi ngành hàng nông sản...
"Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng", ĐBQH Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng đề xuất tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo nông dân, để từng bước hình thành một tầng lớp nông dân chuyên nghiệp thời đại 4.0.
Còn theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, về đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và mô hình đầu tư công - quản trị tư (PPP), thời gian qua, cả khu vực Nhà nước và tư nhân đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực văn hóa, thể thao với nhiều công trình như nhà hát, sân vận động, công viên... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Ai quản lý, ai vận hành các thiết chế đó để đạt hiệu quả cao?
Thực tế cho thấy, sau khi đầu tư xây dựng, nhiều thiết chế lại phải kéo theo bộ máy quản lý, biên chế, chi phí vận hành - điều này đi ngược với chủ trương tinh giản bộ máy hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Theo dẫn chứng của đại biểu, nhiều công trình hiện nay rơi vào tình trạng khai thác kém, vắng người sử dụng. Do vậy, đại biểu cho rằng không phải cứ Nhà nước đầu tư thì Nhà nước phải trực tiếp vận hành. Trong nhiều trường hợp, việc giao cho khu vực tư nhân vận hành sẽ khai thác tốt hơn nguồn lực đã đầu tư.
Phát động rộng rãi, mạnh mẽ thực hành tiết kiệm trong các bữa tiệc liên hoan, chiêu đãi
Quan tâm đến vấn đề phòng, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế còn xảy ra nhiều lãng phí trên bình diện chung của cả nước. Chúng ta thấy rất rõ, nhiều khu nhà đang bị bỏ hoang, vắng lặng người qua lại, nhiều dự án chưa giải quyết được vẫn phải nằm chờ. Bên cạnh đó, là lãng phí trong ăn uống, liên hoan. Đây là vấn đề chúng ta tưởng nhỏ nhưng thực sự là rất lớn. "Tôi ao ước chúng ta phát động rộng rãi, mạnh mẽ thực hành tiết kiệm trong các bữa tiệc liên hoan, chiêu đãi. Tiết kiệm phải là lẽ sống, là đạo đức cơ bản của con người, thì lúc ấy mới thực hiện thường xuyên được", đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
|