• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 1.000 mã số cấp mới, sầu riêng rộng cửa xuất khẩu

Tháng 7 tới, sầu riêng vào chính vụ thu hoạch, việc có thêm gần 1.000 mã số được Hải quan Trung Quốc cấp mới mở cơ hội cho sầu riêng tại thị trường này.

Tin vui cho sầu riêng Việt

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.

ngày 21/5, Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Ảnh: Lan Anh

Ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Ảnh: Lan Anh

Như vậy, lũy kế đến ngày 21/5, Việt Nam có 1.396 mã số vùng trồng sầu riêng và 188 mã số vùng trồng (đã trừ đi các mã số bị thu hồi) được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời, bảo đảm nghiêm túc việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nhằm xuất khẩu bền vững.

Bởi trên thực tế, vẫn còn không ít địa phương để xảy ra tình trạng mượn mã số, không cập nhật nhật ký hoặc khai báo sai sản lượng, dẫn đến bị trả hàng. Một số vùng trồng từng bị thu hồi mã số do không tuân thủ quy trình kỹ thuật và cập nhật dữ liệu không đầy đủ.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, ngày 11/7/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã ký kết. Tại Điều 2 của Nghị định thư nêu rõ: Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường); được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Tính đến trước ngày 21/5, Bộ đã gửi hồ sơ 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC); trong đó, có 708 vùng trồng, 168 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt. Tuy nhiên, do có vi phạm trong quá trình xuất khẩu, Hải quan Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động của 141 vùng trồng, 111 cơ sở đóng gói. Như vậy, đến thời điểm trước ngày 21/5, chỉ còn 567 vùng trồng, 57 cơ sở đóng gói đang hoạt động, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với những mã số bị tạm dừng, Cục cũng triển khai các biện pháp để xác định rõ nguyên nhân vi phạm, làm rõ trách nhiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn sẽ chủ động trao đổi với phía nước nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục lại hoạt động của các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - cho biết, thị trường ngày càng khó tính, chỉ cần sai lệch nhỏ về dư lượng hóa chất hay truy xuất không đúng là vùng trồng có thể bị đình chỉ, doanh nghiệp mất quyền xuất khẩu. Việc giữ vững từng mã số vùng trồng giờ đây không còn là lựa chọn, mà là điều kiện "sống còn".

Chủ sở hữu mã số phải có trách nhiệm với tài sản của mình

Đến hết năm 2024, diện tích trồng sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng tươi Việt Nam được tiêu thụ trên 20 thị trường khác như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ, EU, Nhật Bản…; sầu riêng đông lạnh có mặt tại hơn 20 thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Kazakstan…. Ông Huỳnh Tấn Đạt thông tin, trong giai đoạn từ nay đến 2030, mục tiêu lớn nhất của ngành không còn là mở rộng diện tích mà là nâng cao độ tin cậy.

Bên cạnh đó, hiện nay, không chỉ thị trường Trung Quốc mà hầu hết các thị trường nhập khẩu nông sản trên thế giới đều đang siết chặt hơn các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với mặt hàng trái cây tươi, các nước nhập khẩu thường đặt ra hàng rào tiêu chuẩn rất cao, cả về chất lượng, quy trình sản xuất, kiểm dịch thực vật và tính minh bạch về nguồn gốc.

Do đó, ông Huỳnh Tấn Đạt cũng khuyến nghị các chủ sở hữu mã số vùng trồng phải có trách nhiệm với chính mã số mà mình đã đăng ký, bởi đây không chỉ là công cụ quản lý mà còn là thương hiệu, tài sản và uy tín gắn liền với chất lượng sản phẩm nông sản của chính họ.

“Việc quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng rất cần thiết. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất khẩu nông sản, cho phép các mã số vùng trồng khai báo đầy đủ thông tin liên quan như: mã số, sản lượng, diện tích, thời vụ, cũng như mối liên kết trong chuỗi sản xuất, đóng gói, xuất khẩu. Nhờ đó, toàn bộ chuỗi sản xuất được quản lý minh bạch”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.

Khi lô hàng được kiểm soát đầy đủ thông tin theo chuỗi, cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ căn cứ vào dữ liệu này để thực hiện kiểm tra, giám sát. Chỉ những lô hàng có thông tin đầy đủ, đúng với khai báo trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia mới được phép xuất khẩu theo đúng quy định.

Theo quy định, chỉ có sầu riêng ở những vùng trồng mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mới được phép xuất khẩu vào nước này. Do đó, việc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm các mã số vùng trồng mới cho Việt Nam cũng mở ra cơ hội để chúng ta có thể gia tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu vào thị trường này.
 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết