• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Bộ tứ trụ cột' để Việt Nam cất cánh: Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Nghị quyết số 57, Nghị quyết số 59, Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 66 là “Bộ tứ trụ cột” để giúp Việt Nam cất cánh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc ngày 18/5/2025 về Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Bốn Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới) là “Bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh.

Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân hiện tại có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy trong điều kiện đặc thù của Việt Nam hai khái niệm “kinh tế tư nhân” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” không hề đối chọi nhau, không cản trở nhau mà cùng song hành. Hơn thế nữa, ngay trong lòng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì khu vực kinh tế tư nhân còn được khẳng định chắc chắn “là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.”

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng nêu rõ: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã trở thành vấn đề nòng cốt của công cuộc đổi mới được khởi sự từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986).

Từ đó đến nay nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện hơn để phù hợp với đòi hỏi phải xây dựng thành công một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Theo định nghĩa của văn kiện Đại hội XIII, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - là nền kinh tế thị trường được vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Trong nền kinh tế đó thì khu vực kinh tế nhà nước là công cụ, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng - điều tiết - dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của kinh tế nhà nước, đồng thời cũng là điểm đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết phối hợp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.

ttxvn-san-xuat-cong-nghiep-1905-2.jpg

Công ty TNHH Kỹ Nghệ Cửa Ý-Á Châu khởi động sản xuất đầu năm với 1.000 công nhân có mặt đầy đủ tại nhà máy ở thành phố Tân Uyên, Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cũng từ năm 1986 đến nay, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân từng bước được hoàn chỉnh, sự nhìn nhận về khu vực kinh tế này ngày càng được nâng cao.

Tại Đại hội VI (năm 1986), nền kinh tế nhiều thành phần (trong đó có kinh tế tư nhân) đã được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đảng.

Đại hội VII (năm 1991) đưa ra quan điểm: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước.”

Đại hội VIII (năm 1996) tiếp tục khẳng định: Cần đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, đồng thời tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư lâu dài.

Tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng có cách nhìn nhận mới: “Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước.”

Đại hội X (năm 2006) xác định: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế.

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.

Tại Đại hội XII (năm 2016) và Đại hội XIII (năm 2021) đã có bước tiến mới trong quan niệm của Đảng, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đến tháng 5/2025, Nghị quyết số 68-NQ/TW còn có bước tiến mạnh mẽ hơn khi khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia...

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước.

Giải pháp quan trọng là đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, cụ thể là đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm."

Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe của cộng đồng và phải được quy định trong luật.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra mục tiêu: Đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trước mắt, trong năm 2025, chúng ta phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Thời gian không chờ đợi. Chúng ta chỉ còn 6 tháng để hoàn thành mục tiêu của năm 2025.

 

Tác giả: www.vietnamplus.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết