Tuần sau, siêu cảng quốc tế 4,8 tỷ USD được ví là mỏ vàng của Việt Nam sẽ bước vào thời khắc quan trọng
Siêu cảng quốc tế này đang đứng trước thời cơ lịch sử để được thông qua chủ trương đầu tư.
Tuần sau sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Mới đây, tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã có thông tin khá chi tiết về tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, trong đó có dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo ông Trần Quang Lâm, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Thủ tướng phê duyệt. "Sau đó, TP đã làm chủ trương đầu tư và nếu thuận lợi thì tuần sau Chính phủ sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư này"- ông Lâm nói.
Nếu thuận lợi được Chính phủ thông qua, TP.HCM dự kiến mục tiêu sớm khởi công dự án từ 2025 để đưa vào khai thác cảng từ năm 2027.
Trước đó, hồi đầu tháng 12 năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định số 10120/BC-BKHĐT, đánh giá lại Hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án. Điều kiện cấp thiết để dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được chấp thuận bao gồm:
Nhà đầu tư cần tuân thủ quy hoạch được duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo quy định và hoàn thành các thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường trước khi bắt đầu dự án. Công nghệ áp dụng trong dự án phải tuân theo các quy định hiện hành về chuyển giao và ứng dụng công nghệ.
Nhà đầu tư không được quyền chuyển nhượng dự án trong 5 năm từ khi nhận giấy chứng nhận đầu tư. Khi đã qua thời gian này, bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến nhà đầu tư cần tuân theo luật định và phải được UBND TP. HCM chấp thuận.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, mọi hoạt động chuyển nhượng cần có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan khác.
Về việc tổ chức đấu thầu để tìm nhà đầu tư cho dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng giao UBND TP. HCM làm đầu mối chính, hợp tác với các bộ, ngành tổ chức đấu thầu một cách công khai và minh bạch. Nhà đầu tư trúng thầu cần đáp ứng các yêu cầu như: đóng góp vốn theo đúng kế hoạch đã cam kết; đặt cọc hoặc có bảo lãnh ngân hàng cho việc thực hiện nghĩa vụ dự án; và cam kết tỷ lệ hàng trung chuyển không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng biển lân cận.
Dự án cảng Cần Giờ "khủng" thế nào?
Về vị trí, Cảng quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ. Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.
Trong Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, liên danh Cảng Sài Gòn - TIL đề xuất thực hiện Dự án với tổng mức đầu tư (không tính lãi vay trong thời gian xây dựng) là 113.531,7 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt nội dung vốn đầu tư là tối thiểu 50.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án.
Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEU (một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.
Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giới chuyên gia kỳ vọng “mỏ vàng” mang về 40.000 tỷ đồng mỗi năm này sẽ giúp hệ thống Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM - đô thị giàu top đầu Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.
Về siêu dự án này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Dự án không chỉ khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế, mà còn giúp Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn, hỗ trợ kinh tế - xã hội, thương mại xuất nhập khẩu và quốc phòng, an ninh biển”.