• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung thúc đẩy, làm mới 3 động lực tăng trưởng kinh tế

Nhận định nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước các tác động của tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý 3/2024.

Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai 10 nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh: Tiếp tục tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư; Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực…

Có thể thấy, các chỉ đạo này tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với giải pháp tập trung “làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống” mà người đứng đầu Chính phủ liên tục nhấn mạnh trong thời gian gần đây.

Tập trung thúc đẩy, làm mới 3 động lực tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cần giải quyết các điểm nghẽn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, đó là: phải quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực trong thực thi công vụ gắn với bảo vệ, khuyến khích, tạo cơ hội để cán bộ thực thi thực hiện trách nhiệm công vụ của mình.

 

“Thời gian vừa qua nguồn lực bị tắc nghẽn rất nhiều khi hệ thống văn bản có sự khác biệt, dẫn tới các hoạt động đầu tư kinh doanh không được triển khai. Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo về rà soát các văn bản pháp luật và trực tiếp tháo gỡ những bất cập từ hệ thống văn bản pháp luật này. Và tôi nghĩ rằng đây chính là một công cụ rất hiệu quả, một cách thức quản lý rất hiệu quả để chúng ta tạo ra được cơ chế, để tạo sự an tâm cho cán bộ khi mà thực thi công vụ” - TS. Nguyễn Minh Thảo nêu ý kiến.

Nhìn lại kết quả tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2024, chuyên gia kinh tế, TS. Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá cao đóng góp quan trọng của 3 chân kiềng kinh tế “đầu tư”, “xuất khẩu”, “tiêu dùng” với những cải thiện đáng kể. Trong đó, xuất khẩu đã tăng tới 14,5% so với cùng kỳ năm trước (khu vực trong nước với một số mặt hàng nông - thuỷ sản xuất khẩu tăng tới 19%). Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống (như Mỹ, EU, Trung Quốc…) được phục hồi, nhờ đó nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu tăng trưởng, kéo theo sản xuất công nghiệp trong nước lấy lại đà phục hồi.

Để 3 động lực tăng trưởng này tiếp tục phục hồi và cho kết quả tốt hơn trong thời gian tới, cần phân tích rõ các điểm yếu để bồi đắp cho phù hợp. Cụ thể, với xuất khẩu cần lưu ý tỷ trọng đang nghiêng về khối FDI với gần 72% trong tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm. Vì vậy, làm sao để tăng được giá trị gia tăng của xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước là vấn đề đặt ra. Cùng với đó là cần sớm nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh để góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Tập trung thúc đẩy, làm mới 3 động lực tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chủ lực

Chuyên gia kinh tế, TS. Đặng Đức Anh nêu quan điểm: “Hiện nay khu vực đầu tư công chỉ chiếm khoảng 25 - 26% của tổng vốn đầu tư toàn xã hội, lớn nhất là khu vực đầu tư tư nhân là 58%. Do đó chúng ta cần phải có những giải pháp để thúc đẩy đầu tư tư nhân (mà trong 6 tháng đầu năm  mặc dù chúng ta đã có những chuyển biến tốt nhưng tốc độ tăng trưởng của nó vẫn chỉ đạt ở mức bằng một nửa so với giai đoạn trước đây).

Một số giải pháp mà chúng ta đã đề ra, ví dụ như là tiếp tục để duy trì mặt bằng lãi suất thấp, những chính sách về VAT để giúp thúc đẩy tổng cầu, và qua đó là thúc đẩy cơ cấu đầu tư của tư nhân. Tôi cũng kỳ vọng là những tháng cuối năm, cùng với việc chúng ta đưa vào áp dụng các luật mới (như Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai - và cũng với đó là các văn bản hướng dẫn dưới Luật được ban hành) sẽ giúp tháo gỡ được một phần các vướng mắc liên quan đến các dự án đối với thị trường bất động sản”.

Chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải “làm mới” các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng), cũng đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải trả lời cho được câu hỏi “bằng cách nào?” và đưa ra khuyến nghị cần làm cho bằng được ba nội dung quan trọng, đó là: “phải khơi thông các nguồn lực hiện có”; “phải tận dụng hiệu quả các nguồn lực và cơ hội chúng ta có” và “phải thực thi quyết liệt và hiệu quả hơn nữa công tác cải cách thể chế.

Dẫn chứng về giải pháp khơi thông, tận dụng và cải cách để làm mới động lực “đầu tư”, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu phân tích: “Thứ nhất, Đầu tư công nó trở về quỹ đạo - tôi gọi là bình thường - thì khơi thông nguồn lực là phải tận dụng hiệu quả và thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ kế hoạch đầu tư công, đấy đã khơi thông và tận dụng hiệu quả. Rất nhiều dự án đang dở dang - đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, thì việc tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc để kịp thời thì nó là khơi thông nguồn lực. Ví như các dự án chuẩn bị đi vào hoạt động rồi, nhưng chỉ vướng phòng cháy chữa cháy thì phải có giải pháp cụ thể - gọi là khơi thông nguồn lực.

Thứ hai là tận dụng có hiệu quả, chúng ta có những chương trình mà tôi kỳ vọng nếu thực hiện tốt là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội. Tôi lấy ví dụ chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (của Thủ tướng Chính phủ) - một chương trình lớn, đảm bảo rất nhiều mục tiêu, nhưng cho đến nay tôi nhìn thấy kết quả có lẽ chưa được chưa đạt được như kỳ vọng. Như vậy, khi chúng ta có cơ hội mà không tận dụng được hiệu quả các cơ hội thì rõ ràng chúng ta không tạo ra động lực…”

Chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh - với 3 nội dung cần phải giải quyết, đó là tiếp tục rà soát, cắt giảm, kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính và coi trọng công tác thực thi công vụ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật