Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 26/2-1/3
Dữ liệu lạm phát đến từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản sẽ là những sự kiện được các thị trường mong chờ trong tuần tới, cùng với các số liệu quan trọng khác như chỉ số PMI ở Trung Quốc, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang tập trung tranh luận về cách khởi động lại động cơ tăng trưởng kinh tế đang trì trệ - thương mại toàn cầu.
1/ Tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt kỳ vọng
Lạm phát của Mỹ (chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được công bố vào thứ Năm, 29/2) một lần nữa sẽ là tâm điểm chú ý nhất của thị trường, bởi sẽ có thể mang đến cho các nhà đầu tư góc nhìn khác về một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh hơn so với mong đợi của nhiều người.
Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự kiến CPI tháng 1 của Mỹ tăng 0,3%, sau khi tăng 0,2% trong tháng liền trước. PCE mạnh hơn mong đợi có thể tiếp tục làm giảm kỳ vọng vào việc Fed sớm hạ lãi suất.
Những dữ liệu gần đây như giá tiêu dùng, giá sản xuất và việc làm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phát triển bất chấp lãi suất tăng cao trong nhiều tháng. Kết quả của những điều đó là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày càng thận trọng đẩy lùi kế hoạch cắt giảm lãi suất. Điều đó cũng khiến lợi suất trái phiếu Mỹ cũng như đồng USD tăng trở lại.
2/ Các dữ liệu ở châu Âu
Các dữ liệu sơ bộ về tháng 2 sắp công bố vào ngày 1/3 tới sẽ cho thấy bức tranh lạm phát khu vực đồng euro - đã tăng lên hai con số vào năm 2022 đang quay trở lại mục tiêu 2%. Chỉ số này đã giảm xuống 2,8% trong tháng 1 từ mức 2,9% của tháng 12 và đang hạ nhiệt nhanh chóng do tăng trưởng yếu và giá năng lượng giảm.
Các số liệu tổng hợp quan trọng sẽ đến từ Đức, Pháp và Tây Ban Nha - tất cả đều diễn ra trước cuộc họp của ECB vào ngày 7/3. Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Luis de Guindos, cho biết cần có thời gian và nhiều dữ liệu hơn trước khi các nhà hoạch định chính sách có thể yên tâm tuyên bố rằng tỷ lệ lãi suất đã cao kỷ lục và bắt đầu đến lúc giảm. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương đã chậm lại nhưng vẫn ở trên mức phù hợp với lạm phát 2%.
Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách châu Âu vẫn đang phải cân nhắc giữa việc giữ lãi suất đủ cao để kiềm chế lạm phát và xác định thời điểm cắt giảm lãi suất vừa phải trong lần đầu tiên giảm.
3/ Các chỉ số quan trọng của Trung Quốc và Nhật Bản
Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc và Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn nhằm cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm.
Số liệu lạm phát của Nhật Bản sẽ được công bố vào thứ Ba (27/2) - và kỳ vọng giá tiêu dùng đã hạ nhiệt trở lại vào tháng 1 có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thêm một lý do để thoát khỏi chính sách lãi suất âm trong năm nay. Ngân hàng trung ương Nhật đang rơi vào bối cảnh suy thoái và chi tiêu tiêu dùng chậm chạp, nhưng việc duy trì chính sách cực kỳ nới lỏng sẽ đồng nghĩa với việc đồng yên sẽ tổn thất thêm nữa.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, các nhà chức trách ngày càng nỗ lực hết sức để củng cố sự phục hồi kinh tế mong manh sau khi hạ lãi suất thế chấp tham chiếu mạnh nhất từ trước đến nay và tăng áp lực pháp lý để vực dậy thị trường chứng khoán đang suy yếu. Dữ liệu PMI công bố vào thứ Sáu (1/3) sẽ cung cấp góc nhìn rõ ràng hơn về hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ kinh tế mà Bắc Kinh đã đưa ra. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn không mấy ấn tượng về các biện pháp này.
4/ Thực trạng thương mại trên toàn cầu
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và xung đột địa chính trị đã phủ bóng đen lên thương mại thế giới, với thương mại toàn cầu năm 2023 chỉ tăng trưởng 0,2% - tốc độ yếu nhất trong 5 thập kỷ không kể những thời điểm suy thoái toàn cầu.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bắt đầu cuộc họp cấp bộ trưởng tại Abu Dhabi vào thứ Hai (26/2), có thể làm gì để xoay chuyển về vấn đề này? Hầu hết các nhà quan sát đều kết luận là rất ít có khả năng xoay chuyển. WTO bị cản trở bởi những tranh chấp giữa các nước thành viên và trên hết là do chính trị trong nước ở nhiều quốc gia đã làm ảnh hưởng đến thương mại tự do – mục tiêu mà WTO được thành lập để thúc đẩy.
Trước cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, có rất ít cơ hội để Washington dỡ bỏ rào cản trong việc bổ nhiệm mới vào ban phúc thẩm của WTO - có nghĩa là cơ quan trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại của tổ chức này sẽ không hoạt động.
Trong khi đó, triển vọng thỏa thuận trong các lĩnh vực chính như nông nghiệp và thủy sản vẫn mờ mịt - có nghĩa là thương mại không thể được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.
5/ Tròn 2 năm xảy ra xung đột Nga – Ukraine
Thứ Bảy (24/2) đánh dấu kỷ niệm 2 năm xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Cuộc xung đột này đã làm rung chuyển và định hình thị trường hàng hóa toàn cầu. Đến nay, giá năng lượng và nhiều mặt hàng đã trở lại thấp hơn mức trước khi xảy ra xung đột, ngoại trừ vàng - một biện pháp phòng ngừa lạm phát - đang cao hơn mức giá hồi tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, Nga vẫn bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu sau hàng loạt lệnh trừng phạt, và vẫn đang phải đối mặt với những biện pháp kiềm chế mới từ Washington, Anh và các nước khác, những điều vẫn tác động không nhỏ đến thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu. Biến động trên 1 số thị trường quan trọng trong 2 năm qua.
Tham khảo: Reuters