• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một cổ phiếu bất ngờ “cháy hàng” sau khi thị giá “bay màu” gần 80% từ đầu năm

Chỉ trong vòng một năm, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này đã bán tổng cộng hơn 19 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 39% vốn.

Trong khi thị trường chung giao dịch "lình xình", cổ phiếu RDP của CTCP Rạng Đông Holding bất ngờ ngược dòng ngoạn mục. Lực cầu tăng mạnh giúp thị giá cổ phiếu này tăng kịch trần lên mức 2.450 đồng/cp, thậm chí "trắng bên bán".

Đáng nói, đà tăng giá khá ấn tượng của cổ phiếu RDP diễn ra sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm, trượt dài về đáy lịch sử. Thị giá RDP trong khoảng thời gian từ 11/7-30/7 chứng kiến chuỗi giảm sâu, với nhiều phiên giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, qua đó đẩy thị giá về vùng đáy lịch sử chỉ 2.200 đồng/cp, tương đương "bốc hơi" 76% kể từ đầu năm.

Một cổ phiếu bất ngờ “cháy hàng” sau khi thị giá “bay màu” gần 80% từ đầu năm- Ảnh 1.

Chủ tịch bán gần 39% cổ phần công ty trong vòng 1 năm

Việc cổ phiếu lao dốc một cách nhanh chóng khiến ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holdings liên tiếp bị bán giải chấp cổ phiếu RDP.

Trong thông báo mới nhất, ông Hồ Đức Lam bị công ty chứng khoán bán giải chấp 1,17 triệu cổ phiếu RDP, tương ứng 2,39% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện trong ngày 1/8. Sau giao dịch, ông Hồ Đức Lam đã buộc phải hạ sở hữu từ 4,1 triệu đơn vị (8,48% vốn) về còn 2,9 triệu đơn vị (6,09% vốn).

Được biết, ông Hồ Đức Lam hiện vẫn đang là cổ đông lớn nhất của Rạng Đông Holding. Trong quá khứ, vào hồi cuối năm 2020 vị doanh nhân này từng sở hữu đến 64,2% vốn của Rạng Đông Holding.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2023 cho đến nay ông Hồ Đức Lam không chỉ bị bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu mà còn chủ động bán ra cổ phiếu RDP, qua đó hạ sở hữu tại Rạng Đông Holding từ 45% vốn về còn 6,1% vốn như hiện tại. Như vậy, chỉ trong vòng một năm Chủ tịch của Rạng Đông Holding đã bán tổng cộng hơn 19 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 39% vốn.

Động thái liên tục bị CTCK bán giải chấp cổ phiếu của Chủ tịch Rạng Đông Holding diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này chìm trong thua lỗ. Cụ thể, RDP ghi nhận doanh thu sụt giảm gần 9% còn 2.594 tỷ đồng với khoản lỗ sau thuế lên tới 147 tỷ đồng trong năm 2023. Đến nửa đầu năm 2024, Rạng Đông tiếp tục lỗ gần 65 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, Rạng Đông Holding đã lỗ lũy kế 266 tỷ đồng.

photo-1723532825155

Thua kiện cổ đông ngoại khiến doanh nghiệp "lao đao"

Ở một khía cạnh khác, sự kiện đánh dấu cho bước ngoặt đi xuống của doanh nghiệp này là việc Rạng động Holding đã thua kiện cổ đông ngoại Sojitz Planet Corporation (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản) và phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các khoản phí, lệ phí liên quan. Chính vụ thua kiện này đã khiến chi phí dự phòng của Rạng Đông tăng vọt, dẫn đến việc doanh nghiệp này báo lỗ năm 2023.

Trước đó, vào năm 2016, Rạng Đông ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Sojitz. Theo đó, Sojitz sẽ cung cấp nguyên liệu, chuyển giao công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho Rạng Đông. Đến năm 2017, Rạng Đông và Sojitz tổ chức lễ ký kết cổ đông chiến lược. Ngoài ra, Sojitz còn mua 5 triệu cổ phần thông thường, đã phát hành và thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần tại CTCP Nhựa Rạng Đông Long An với giá mua hơn 174 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sojitz, sau khi chuyển nhượng cổ phần nêu trên, Rạng Đông đã vi phạm một số nghĩa vụ về việc đáp ứng các điều kiện sau chuyển nhượng. Do đó, căn cứ hợp đồng mua bán cổ phần, Sojitz thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Rạng Đông hoàn trả ngay lập tức 90% giá mua cổ phần đã thanh toán, tương đương gần 157 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Rạng Đông không hoàn trả nên Sojitz đã tiến hành khởi kiện vụ án tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). Đến ngày 6/7/2022, Hội đồng trọng tài thuộc SIAC đã phán quyết Sojitz thắng kiện. Bị đơn Rạng Đông phải trả cho Sojitz số tiền gần 157 tỷ đồng như khoản bồi thường thiệt hại và phải trả cho Sojitz khoản tiền lãi 10%/năm đối với số tiền 157 tỷ đồng, tính từ ngày 1/4/2020 cho đến ngày thanh toán. Đồng thời, Rạng Đông còn phải trả phí và lệ phí của hội đồng trọng tài cũng như phí hành chính và lệ phí của SIAC hàng trăm triệu đồng.

Vụ kiện còn kéo dài đến tận cuối năm 2023 vì Tòa án nhân dân TP.HCM đã quyết định không công nhận phán quyết trọng tài SIAC. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã quyết định, chấp nhận kháng cáo của Sojitz, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài quốc tế nói trên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật