Lợi nhuận từ mảng môi giới công ty chứng khoán “mỏng” dần
Bên cạnh điều kiện thanh khoản thị trường, những thay đổi nội tại của khối công ty chứng khoán (CTCK) đang tạo ra sự chuyển dịch ở mảng môi giới chứng khoán.
Thanh khoản đi xuống, mảng môi giới gặp khó
Quý 3/2024, hoạt động môi giới mang về cho nhóm CTCK hơn 3.1 ngàn tỷ đồng (dữ liệu VietstockFinance thống kê từ 78 CTCK), giảm gần 22% so với quý trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán VPS (VPSS) dẫn đầu cuộc đua về doanh thu môi giới. Công ty thu được gần 714 tỷ đồng trong quý. Kết quả cách biệt với các công ty xếp sau khi Chứng khoán SSI chỉ đạt mức hơn 340 tỷ đồng, Chứng khoán HSC (HCM) đạt hơn 193 tỷ đồng.
VPSS dẫn đầu trên các bảng thị phần môi giới của cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM. Cụ thể, trong quý 3, VPSS chiếm 17.63% thị phần sàn HOSE, 21.18% thị phần sàn HNX và 30.77% sàn UPCoM. Áp đảo về thị phần, doanh thu môi giới của VPSS bỏ xa các công ty khác cũng là điều dễ hiểu.
Top 10 doanh thu môi giới quý 3/2024 Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Doanh thu môi giới giảm, lãi gộp mảng môi giới còn giảm mạnh hơn. Kết thúc quý 3, các CTCK thu lãi gộp hơn 405 tỷ đồng, giảm tới 50% so với quý trước và giảm 62% so với cùng kỳ năm 2023.
Quy mô doanh thu lớn giúp VPSS đồng thời dẫn dầu về lãi gộp môi giới, đạt gần 110 tỷ đồng. Tuy vậy, biên lãi gộp chỉ đạt hơn 15.2%; trong khi xếp ở vị trí thứ hai là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi lãi gộp 76 tỷ đồng, nhưng biên lãi gộp tới hơn 56%.
Top 10 lãi gộp môi giới quý 3/2024 Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Trong nhóm dẫn đầu về lãi gộp, Chứng khoán Bảo Việt (BVS) cũng thể hiện hiệu quả kinh doanh môi giới tốt với biên lãi gộp lên tới hơn 51%.
Số khác có biên lãi gộp cao như Chứng khoán VNDIRECT (VND), Chứng khoán KIS, Chứng khoán VIX với biên lãi gộp trên 30%.
Quý 3/2024 cũng chứng kiến nhiều CTCK thua lỗ ở mảng môi giới, điểm chung là xuất hiện nhiều công ty có vốn ngoại. Đơn cử như Chứng khoán Shinhan Việt Nam, MiraeAsset hay Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Top 10 lỗ gộp môi giới quý 3/2024 Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Xu hướng mỏng hóa biên lãi gộp mảng môi giới
Doanh thu môi giới đến từ giá trị giao dịch của khách hàng. Do đó, mảng môi giới luôn có kết quả đi đôi với thanh khoản thị trường. Thanh khoản thị trường giảm 26% so với quý 2, về gần 16.4 ngàn tỷ đồng/phiên là tác nhân chính kéo doanh thu môi giới của các CTCK sụt giảm.
Điểm đáng chú ý là hiệu quả mảng môi giới lại đang có xu hướng giảm nhiều hơn xu hướng giảm của thanh khoản thị trường. Chung xu hướng giảm với thanh khoản thị trường song lãi gộp từ mảng môi giới có độ dốc lớn hơn theo từng quý.
Lãi gộp môi giới có xu hướng giảm mạnh hơn so với thanh khoản thị trường Nguồn: VietstockFinance |
Việc lãi gộp dần co lại cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt khi các CTCK áp dụng chiến lược miễn, giảm phí để giành thị phần. Hầu hết CTCK đều đã ít nhiều giảm phí giao dịch để thu hút thêm nhà đầu tư và giữ chân khách hàng.
Phần lớn các CTCK đang áp dụng mức phí khoảng 0.1-0.15% (đã bao gồm phí trả về sở giao dịch chứng khoán). Một số khác thậm chí còn áp dụng chính sách “zero fee” trọn đời như TCBS, Pinetree, DNSE hay MBS.
Bên cạnh đó, các CTCK còn phải gánh nhiều khoản chi phí cho hoạt động này, dẫn đến lợi nhuận bị bào mòn. Trong đó, nhiều công ty nâng mức hoa hồng cho nhân viên môi giới, cộng tác viên nhằm mở rộng tệp khách hàng.
Xu hướng doanh thu và chi phí mảng môi giới ở 2 nhóm CTCK lãi gộp môi giới và lỗ gộp môi gới Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Định hướng kinh doanh khác biệt cũng đang chia các CTCK thành 2 nhóm.
Phân tích nhóm báo lãi gộp môi giới mạnh, có thể thấy, kết quả môi giới đang ngày càng thu hẹp, nguyên nhân do chi phí có xu hướng tăng. Trong khi doanh thu đồng biến với thanh khoản thị trường thì chi phí đang cao dần lên do kết quả của chiến lược “đốt tiền” để duy trì thị phần môi giới. Do vậy, dù có lãi từ mảng môi giới, biên lãi gộp của nhiều công ty lại đang có xu hướng thu hẹp.
Ngược lại, đối với nhóm chịu lỗ gộp môi giới quý 3/2024, phân tích cho thấy, chi phí có xu hướng thu hẹp trong điều kiện thanh khoản thị trường không tích cực.
Tuy vậy, quy mô doanh thu thấp không đủ bù chi phí khiến nhóm này phải chịu lỗ gộp. Đây là nhóm chủ yếu kiếm nguồn thu từ hoạt động cho vay. Do đó, họ sẵn sàng chịu lỗ gộp ở mảng môi giới, mở rộng tệp khách hàng với mục tiêu dùng lợi nhuận ở mảng cho vay để bù đắp các chi phí đã bỏ ra nhằm tìm kiếm khách hàng.