Giảm thuế để trợ lực người dân, doanh nghiệp
Việc Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Việc Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Chính sách về miễn, giảm thuế, phí đang được Chính phủ trình Quốc hội để triển khai trong thời gian tới. Một trong số đó là tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.
Giúp doanh nghiệp phục hồi
Việc giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% còn 8% đang được thực hiện đến hết tháng 6-2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15.
Trước đó, chính sách này đã liên tục được thực hiện trong các năm 2022, 2023. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm thuế GTGT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) và người dân khoảng 51.4000 tỉ đồng vào năm 2022 và 23.400 tỉ đồng vào năm 2023.
Còn năm 2024, tính đến hết tháng 4, việc giảm thuế GTGT 2% đã hỗ trợ cho DN và người dân khoảng 15.488 tỉ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế GTGT ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1.500 tỉ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2.500 tỉ đồng/tháng. Dự kiến cả năm 2024, mức hỗ trợ từ việc giảm thuế này ước khoảng 44.500 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. "Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT sẽ bảo đảm đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Đối với người dân, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đối với DN sản xuất - kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ, sẽ giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Cân nhắc giảm đồng loạt
Theo đề xuất của Chính phủ, sẽ không giảm thuế GTGT đồng loạt cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế GTGT 10%, mà trừ một nhóm hàng hóa, dịch vụ như sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Góp ý về chính sách này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất phương án giảm thuế GTGT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Cơ sở để VCCI đưa ra đề xuất trên là vì việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8% phát sinh nhiều bất cập, dù Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn. "Khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều DN phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới" - văn bản của VCCI nêu thực tế.
Vướng mắc này cũng được nêu rõ tại báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đoàn giám sát, một số DN không nắm rõ các mặt hàng kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT.
"Còn tình trạng lúng túng trong khâu áp dụng, phát sinh các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đòi hỏi cơ quan thuế phải hướng dẫn, giải thích; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách vẫn còn gặp khó khăn, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể" - báo cáo của đoàn giám sát nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đồng tình với đề xuất của Chính phủ khi tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024 và nhấn mạnh dư địa chính sách tài khóa còn cho phép thực hiện việc này.
Liên quan đề xuất của VCCI, TS Nguyễn Quốc Việt kiến nghị các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để việc thực hiện giảm thuế GTGT được thuận lợi hơn.
Giảm thu ngân sách khoảng 24.000 tỉ đồng
Theo Bộ Tài chính, nếu giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước sẽ khoảng 24.000 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2024 số giảm thu ngân sách khoảng 47.488 tỉ đồng. Để bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn, Bộ Tài chính cho biết sẽ quyết liệt triển khai công tác quản lý thu ngân sách, tăng cường tiết kiệm chi, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết...
Ông DƯƠNG THANH ĐẢO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP HCM:
Giảm 5% để hỗ trợ sức mua
Chính sách giảm thuế GTGT thời gian qua đã phát huy hiệu quả vì hỗ trợ tích cực cho người tiêu dùng, kích thích người dân mua sắm. Các hội viên của chúng tôi chủ yếu kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán ăn… được hưởng lợi nhờ việc người tiêu dùng được giảm thuế nên sức chi tiêu tốt hơn.
Dù vậy, để kích cầu hỗ trợ sức mua trong thời gian tới, nhất là trong mảng dịch vụ ăn uống, chúng tôi hy vọng được giảm thuế GTGT với mức đề xuất 5%.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:
Nên giảm thuế tất cả hàng hóa, dịch vụ
Theo tôi, nên có phương án giảm thuế GTGT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ như đề xuất của VCCI để DN có kế hoạch hoạt động lâu dài, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, chứ không loại trừ một số hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...
Hiện nay, khá nhiều mặt hàng có thể xếp vào danh mục sản phẩm công nghệ (không được ưu đãi thuế GTGT), cũng có thể xếp vào danh mục sản phẩm tiêu dùng (được giảm thuế GTGT). Hoặc có DN sản xuất mặt hàng dây cáp bọc nhựa lúng túng không biết sản phẩm được áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%. Chẳng hạn, sắt thép được giảm 2% thuế GTGT nhưng nhựa bọc thép thì không được giảm. Trong khi đó, Bộ Tài chính không có hướng dẫn cụ thể để DN, cơ quan chức năng làm căn cứ tính thuế suất thuế GTGT. Ngay cả những sản phẩm, dịch vụ nằm ngoài danh mục quy định của Bộ Tài chính, DN cũng không biết áp dụng thuế GTGT 10% hay 8%. Nếu áp dụng 10% chỉ khấu trừ thuế 8% thì thiệt thòi cho khách hàng, còn nếu thuế GTGT 10% mà chỉ khấu trừ và nộp 8% thì DN có nguy cơ bị khép vào tội trốn thuế.
Ngoài giảm thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, tôi đề nghị xem xét nâng tỉ lệ giảm thuế GTGT lên 3% thay vì 2% như hiện nay. Nhiều nước trong khu vực đang áp mức thuế này từ 7%-8%.
Ông TRẦN VĂN TRƯỜNG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia:
Nên tăng thuế một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng
Chúng tôi mong trong thời gian tới, thuế GTGT tiếp tục giảm để hỗ trợ DN hồi phục sản xuất - kinh doanh.
Theo tôi, các nhóm mặt hàng khuyến khích tiêu dùng nên giảm thuế sâu hơn, có thể từ 10% xuống 5% và tăng thuế các mặt hàng xa xỉ, hàng không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá để bù đắp số thuế bị thất thu do giảm thuế những mặt hàng trên.
N.Ánh - T.Nhân ghi
Theo Minh Chiến
Người lao động
Link bài gốc Lấy link! https://nld.com.vn/giam-thue-de-tro-luc-nguoi-dan-doanh-nghiep-19624052721195852.htm