Đề xuất giao Bộ Tài chính làm đầu mối điều hành xăng dầu: Chưa phải phương án cuối cùng
Bộ Công Thương cho rằng đề xuất giao đầu mối thực hiện việc rà soát các chi phí và tính toán, điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính chưa phải là "phương án lựa chọn cuối cùng".
Trước những thông tin về các đề xuất sửa đổi quy định liên quan xăng dầu gần đây, nhất là đề xuất giao Bộ Tài chính làm đầu mối điều hành giá xăng dầu, ngày 9/1 Bộ Công Thương đã phát đi thông tin làm rõ.
Theo Bộ Công Thương, ngày 27/12/2022, Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định đã họp và thảo luận một số nội dung sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận, thống nhất của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Công Thương đã có báo cáo phân tích từng nội dung dự kiến sửa đổi, đưa ra các phương án sửa đổi cho từng nội dung, đồng thời, phân tích ưu nhược điểm của từng phương án một cách khách quan.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Công Thương đã thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập lựa chọn các phương án dự kiến sửa đổi và đưa ra lấy ý kiến các đơn vị có liên quan.
Đối với nội dung phân công trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, trong quá trình thu thập ý kiến các bên liên quan đã có 3 phương án được đưa ra.
Trong đó phương án giao đầu mối thực hiện việc rà soát các chi phí và tính toán, điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính theo phân tích tại dự thảo Tờ trình để đưa ra lấy ý kiến nhằm có thêm ý kiến góp ý, phản biện cho đề xuất này.
"Nội dung lựa chọn tại Dự thảo Nghị định và Dự thảo Tờ trình gửi xin ý kiến chưa phải là phương án lựa chọn cuối cùng của Bộ Công Thương để trình Chính phủ xem xét quyết định", Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương cho hay sau khi có ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan và đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và đề xuất phương án lựa chọn phù hợp nhất, trình Chính phủ xem xét quyết định.
Trước đó, ngày 6/1, Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Theo đề xuất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, định hướng cho việc tính giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... ) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
Đối với đề xuất giao Bộ Công Thương là đầu mối duy nhất điều hành xăng dầu, dự thảo bày tỏ không đồng tình. Bộ Công Thương muốn giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Lý do lựa chọn này, theo Bộ Công Thương, là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.