• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ

Ngày 21/2, đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, cùng Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT.

Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT.

Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT.

Tham gia đón tiếp đoàn về phía FPT có ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT và lãnh đạo các công ty thành viên; lãnh đạo các chi nhánh, văn phòng của Công ty tại nước ngoài.

Chia sẻ tại sự kiện, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ và các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 đã dành thời gian làm việc với FPT trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn. Đây là buổi làm việc đầu tiên trong suốt 35 năm qua của FPT với các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

Chia sẻ về những kết quả đạt được của FPT trong năm 2023, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, ngay từ ngày đầu thành lập FPT đã mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới hùng mạnh bằng đổi mới, sáng tạo trong khoa học và trong suốt 35 năm qua, FPT luôn kiên định trên con đường này. FPT đã hiện thực hóa khát vọng đưa trí tuệ Việt Nam vươn ra toàn cầu, con số 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, hợp đồng quy mô hàng trăm triệu USD, hiện diện tại 30 quốc gia trên toàn cầu và đội ngũ nhân sự với hơn 70 quốc tịch đã minh chứng cho điều này.

Cũng theo ông Khoa, trong lĩnh vực giáo dục, Tổ chức giáo dục FPT đã khẳng định được vị thế với 145.000 người học quy đổi trên toàn hệ thống. Trong lĩnh vực viễn thông, FPT có hạ tầng viễn thông, dữ liệu tầm cỡ khu vực.

Tại sự kiện ông Khoa cùng lãnh đạo các công ty thành viên; lãnh đạo các chi nhánh, văn phòng của Công ty tại nước ngoài cũng đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm giúp đưa ngành CNTT Việt Nam vươn xa và cao hơn nữa trên quy mô toàn cầu.

Cụ thể, đại diện FPT đề xuất cần thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ để tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu cho ngành CNTT của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu với nguồn lực tốt nhất về chuyển đổi số, AI, Big Data, Automotive, chip.

Trong lĩnh vực đào tạo, đại diện FPT cũng mong muốn Bộ Ngoại giao cùng các Cơ quan đại diện tại nước ngoài thúc đẩy các chương trình hợp tác về giáo dục và chuyển giao chương trình đào tạo đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ mới AI, chip bán dẫn. Ngoài ra, đại diện FPT cũng mong muốn Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện tại nước ngoài hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn xin visa làm việc dài hạn tại một số thị trường trọng điểm.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ cảm xúc ấn tượng, tự hào và tin tưởng khi đi tham quan văn phòng và xem các cán bộ trẻ của FPT trình diễn năng lực của Công ty trong các lĩnh vực công nghệ mới AI, Cloud, Automotive, trung tâm dữ liệu.

“Tôi ấn tượng về năng lực của FPT, các bạn đã tiếp cận được những công nghệ hàng đầu của thế giới trên các lĩnh vực AI, Cloud…. FPT đúng là tập đoàn công nghệ hàng đầu của đất nước. Đồng thời, tự hào khi những công nghệ này đều do những người Việt trẻ nghiên cứu và phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết.

Về những đề xuất của FPT, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ ghi nhận và sẽ cùng các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài xem xét tháo gỡ.

Hơn hai thập kỷ trước, FPT có khát vọng đem trí tuệ và công nghệ Việt Nam ra toàn cầu. Từ nhóm 17 người đầu tiên, sau hơn hai thập kỷ, FPT đã có 30.000 lập trình viên, kỹ sư, chuyên gia công nghệ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài.

Từ một công ty không vốn liếng, không thương hiệu, FPT đã đứng trong Top 8 nhà tư vấn tốt nhất về IoT khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công ty cũng đã cán mốc 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam gia nhập nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD của thế giới.

FPT cũng đã dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, khi có tới gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%...

Về đối tác, FPT có gần 100 khách hàng thuộc Top 500 công ty lớn nhất thế giới. Năm 2023, chỉ trong vòng 1 năm, FPT đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI.

FPT đã chuẩn bị nguồn lực suốt 35 năm và đến lúc này đã bắt đầu làm những việc tốt nhất thế giới. Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến FPT. Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến của toàn cầu về dịch vụ CNTT, được thế giới biết tới như một trung tâm cho đầu tư kinh doanh và đổi mới số.

Trên hành trình phía trước, FPT hướng đến cột mốc tiếp theo 5 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới. Trong đó, chip và AI được FPT xem là những hướng đi trọng tâm trong thời gian tới, là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật