Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho công nghiệp chế tạo tự chủ sản xuất
Đường sắt tốc độ cao sẽ tạo đòn bẩy cho công nghiệp đường sắt, từ đó lan toả, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo.
Cơ hội lớn
Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình vào ngày 13/11, thảo luận tại hội trường vào 20/11.
Đường sắt tốc độ cao sẽ tạo đòn bẩy cho công nghiệp đường sắt, từ đó lan toả, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo. (Ảnh minh hoạ) |
Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD. Trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).
Tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung nội dung quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được ưu tiên phát triển. Cụ thể, xác định công nghiệp đường sắt bao gồm: Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu, Việt Nam phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2035. Dự án này, không chỉ tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội để tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt; tạo đột phá trong các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa…
“Ngoài việc nắm bắt, làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ”- báo cáo nhấn mạnh.
Nêu cụ thể hơn, ông Đặng Sỹ Mạnh- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khẳng định, ngành thép và cơ khí chế tạo Việt Nam hoàn toàn tự sản xuất nhiều thiết bị cơ khí quan trọng của ngành đường sắt. Trong đó Hòa Phát có thể sản xuất hàng trăm ngàn ray thép đủ chất lượng mỗi năm. Lý giải về ý kiến từng cho rằng “ngành đường sắt không sản xuất được thanh ray”, ông Mạnh cho biết vấn đề là những năm qua đường sắt Việt Nam chỉ có nhu cầu vài ngàn ray thép mỗi năm để phục vụ duy tu bảo dưỡng, trong khi để đầu tư một nhà máy sản xuất ray thép thì đầu ra phải cần cả trăm ngàn chiếc ray mới đạt điểm hòa vốn. Khi thị trường có nguồn cầu đủ lớn, doanh nghiệp nội địa có thể tham gia đầu tư nghiên cứu sản xuất, cung ứng.
Nhìn lại những năm qua trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích lũy đủ năng lực cả về kinh tế lẫn kỹ thuật trong việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Từ thiếu kinh nghiệm, các doanh nghiệp đã tự thiết kế, thi công nhiều công trình trọng điểm Quốc gia. Điển hình là cầu dây văng Mỹ Thuận 2 được các nhà thầu Việt thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Hay dự án cao tốc Bắc – Nam với các hạng mục xây cầu, hầm đòi hỏi kỹ thuật cao đều do các doanh nghiệp Việt đảm nhiệm.
Tăng tự chủ cho công nghiệp đường sắt
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam bày tỏ, kinh nghiệm các nước cho thấy, đường sắt tốc độ cao sẽ tạo điều kiện cho một quốc gia hình thành nền công nghiệp đường sắt, huy động được các tập đoàn lớn tham gia. Chẳng hạn, Hàn Quốc nhận chuyển giao công nghệ từ Pháp, sau đó giao cho các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước như Daewoo, Hyundai… tham gia hình thành một doanh nghiệp, yêu cầu nhà cung cấp Pháp phải ký hợp đồng với doanh nghiệp này để tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Đây cũng chính là điều kiện để Việt Nam phát huy tối đa tinh thần độc lập, tự chủ; tiếp nhận được tinh hoa công nghệ của thế giới. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án hạ tầng lớn, phức tạp về kỹ thuật, mà Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là ví dụ điển hình. Dự án triển khai sẽ tạo cơ hội và động lực để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan. Công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bêtông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm.
Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị kỹ thuật cao như đầu máy, toa xe, hệ thống điện và tín hiệu cũng cần phát triển mạnh mẽ. Những thiết bị này không chỉ đòi hỏi công nghệ tiên tiến mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Riêng đối với ngành thép, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, Tập đoàn Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này. Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, Việt Nam phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần, tiếp quản dần công nghệ. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất những chính sách ưu đãi để hình thành và phát triển được một cơ khí công nghiệp, nền cơ khí công nghiệp của đường sắt.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), TS. Nguyễn Chỉ Sáng cũng cho rằng, Việt Nam nhất thiết phải làm chủ việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt. Việc làm chủ ở đây không nên cứng nhắc là phải làm chủ 100% mà có tỷ lệ nội địa hóa và việc nhận chuyển giao công nghệ thích hợp. Việc này không chỉ đem lại sự tự chủ trong xây dựng các dự án mà còn làm giảm đáng kể giá thành trong giai đoạn thi công xây dựng, duy tu bảo dưỡng và phát triển công nghiệp nước nhà.
Ông Sáng chỉ ra, Việt Nam có khả năng làm chủ các hạng mục trong việc phát triển hệ thống đường sắt như tư vấn thiết kế có thể đảm nhận 50% trong 3 dự án đầu và 80% trong các dự án tiếp theo; quản lý dự án: 70% trong 2 dự án đầu và 90% trong các dự án tiếp theo; các hạng mục xây dựng công trình 80% trong dự án đầu và 95% trong các dự án tiếp theo; về hệ thống thiết bị 40% cho hai dự án đầu và 50-60% cho các dự án tiếp theo; về khai thác vận hành và duy tu bảo dưỡng 100% với sự chuyển giao công nghệ của nhà cung cấp theo hợp đồng cung cấp thiết bị, công nghệ…
VAMI kiến nghị những việc cần làm ngay, cụ thể là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho ngành đường sắt; xây dựng lộ trình tổng thể, thống nhất để nội địa hóa hệ thống đường sắt; đường sắt cao tốc, đường sắt quốc gia và đường sắt nội đô; xây dựng và ban hành các giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào Chương trình phát triển hệ thống đường sắt...
Bên cạnh đó, Việt Nam phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần, tiếp quản dần công nghệ. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất những chính sách ưu đãi để hình thành và phát triển được một cơ khí công nghiệp, nền cơ khí công nghiệp của đường sắt.