Một tuần có 5 ca tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền, cao tuổi
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua đã ghi nhận hơn 15.600 ca mắc COVID-19, trung bình khoảng 2.234 ca/ngày. Tuần qua cũng ghi nhận 5 ca tử vong do COVID-19.
Ca COVID-19 tăng lên, ghi nhận 5 trường hợp tử vong
Theo thống kê của Bộ Y tế trong 7 ngày (từ 7-13/5), cả nước ghi nhận hơn 15.600 ca mắc COVID-19, trung bình khoảng 2.234 ca/ngày. Ngày có số ca mắc nhiều nhất là 11/5 với 2.823 ca, thấp nhất là ngày 13/5 với 1.738 ca.
Trước đó, theo thống kê, trong 7 ngày từ ngày 30/4- 6/5, cả nước ghi nhận 14.068 ca mắc COVID-19 mới, trung bình khoảng 2.010 ca/ ngày. Như vậy, số mắc COVID-19 tuần này tăng khoảng 1.600 ca so với tuần trước đó.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.589.567 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.120 ca nhiễm).
Đến nay, cả nước đã có 10.632.049 người mắc COVID-19 khỏi bệnh. Trong tuần qua, số bệnh nhân khỏi tăng nhanh, nhiều ngày số khỏi ở mức 800-900 ca/ ngày.
Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 75 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 65 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca. So với tuần trước đó, số bệnh nhân nặng phải thở máy tuần này giảm.
Về số trường hợp tử vong do COVID-19, trong tuần qua cả nước ghi nhận 5 trường hợp tử vong tại Tây Ninh (2), Nam Định (1), Bến Tre (1) và Sóc Trăng (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 13/5 có 496 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.323.385 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.679.618 liều: Mũi 1 là 70.908.700 liều; Mũi 2 là 68.452.951 liều; Mũi bổ sung là 14.343.927 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.119.546 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.854.494 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.678.224 liều: Mũi 1 là 10.220.421 liều; Mũi 2 là 8.457.803 liều.
Hầu hết ca tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền, cao tuổi
Theo thống kê của Bộ Y tế từ khoảng giữa tháng 4/2023 đến nay, nước ta ghi nhận một số ca tử vong do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày gần đây nhất - tính đến chiều 14/5 là 1 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ảnh minh họa |
So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, mặc dù giai đoạn khoảng giữa tháng 4/2023 và đầu tháng 5/2023, Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh tử vong do COVID-19.
Khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong này, các chuyên gia nhận thấy hầu hết các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc có nhiều bệnh kèm theo, và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước.
Các chuyên gia cũng cho biết, không ghi nhận trường hợp nào mà tử vong ở trên người bệnh mà không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.
"Cần nhấn mạnh rằng những bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện có nghĩa là những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng thì mới nhập viện. Những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều hầu hết là điều trị tại nhà hoặc là được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện" - TS Nguyễn Trọng Khoa nói.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ghi nhận ở mức thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%.
Đây là một số liệu thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị bệnh COVID-19 trong suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng, và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.
Do đó, các địa phương cần chú trọng bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao; Trong trường hợp đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của COVID-19 phải tiến hành xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.
Các đơn vị tăng cường theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gene để phát hiện sớm những biến thể mới của virus.
Đặc biệt, các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể.
Cùng đó, các chuyên gia cũng tiếp tục khuyến cáo vẫn cần duy trì 2K, vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.