• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiểu ĐÚNG về bệnh bạch hầu - Căn bệnh được ví như "chết đuối trên cạn": Lây lan qua đường hô hấp, có thể tử vong trong vài ngày

Bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao, người dân cần hiểu rõ con đường lây bệnh để phòng ngừa hiệu quả.

Những ngày vừa qua thông tin về một ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và một ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca tử vong khiến nhiều người lo lắng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Tương tự, Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.

Bạch hầu được liệt vào danh sách những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do mức độ lây lan và biến chứng nặng nề. Bạch hầu có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn. Bệnh cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Nhận biết bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có đặc điểm lâm sàng là màng giả xuất hiện ở chỗ nhiễm trùng.

Bệnh bạch hầu có 3 loại (thể) chính: bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản và bạch hầu ác tính.

Loại hay gặp nhất là bạch hầu họng, mũi. Ở loại này thời kỳ nung bệnh khoảng vài 3 ngày, sau đó có sốt nhẹ, sổ mũi, viêm họng, nuốt vướng, sau vài ngày sẽ xuất hiện màng trắng ngà (giả mạc), xám, dai, dính chặt vào niêm mạc họng rất khó bóc tách, nếu cố bóc tách sẽ chảy máu. Giả mạc phát triển rất nhanh ở amiđan.

Người bệnh có biểu hiện nhiễm độc độc tố (da xanh tái, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp giảm). Nếu được điều trị đúng, kịp thời, bệnh sẽ khỏi, nếu không, loại này sẽ tiến triển thành loại bạch hầu thanh quản, niêm mạc thanh, khí quản bị bao phủ bởi một lớp giả mạc gây khó thở cấp, dẫn đến suy hô hấp, tử vong (thường được ví là chết đuối trên cạn), nếu không được cấp cứu mở khí quản kịp thời.

Loại thứ ba là bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp), xuất hiện ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, thứ 3, với các triệu chứng rất rầm rộ như sốt cao (39 - 400C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, hạch góc hàm sưng to, đau làm cổ bạnh ra. Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, rối loạn nhịp tim, khó thở, khan tiếng, huyết áp tụt, mạch rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời có thể bệnh trở nên nguy kịch đe dọa tính mạng người bệnh (tử vong).

Đường lây truyền

Trả lời trên báo Tiền Phong, TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, người là ổ chứa của vi khuẩn bạch hầu. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết đường hô hấp hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da có chứa vi khuẩn bạch hầu.

"Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo", bác sĩ Hải thông tin.

Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kì lây truyền bệnh thường không cố định, có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất là trên 4 tuần. Người bệnh đã có thể đào thải vi khuẩn từ thời kì khởi phát, hoặc cũng có thể từ cuối thời kì ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3- 4 tuần.

Biến chứng bệnh bạch hầu

Biến chứng nguy hiểm nhất là suy tim cấp do viêm cơ tim. Biến chứng này có thể xảy ra vào thời kỳ bệnh toàn phát, thậm chí xảy ra muộn hơn sau vài tuần khi bệnh bạch hầu đã khỏi (hết sốt, hết giả mạc,...), tình trạng người bệnh sẽ rất nguy kịch.

Từ thể bạch hầu họng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể lây lan thành bạch hầu thanh quản, một thể bệnh rất nguy hiểm, bởi vì, bị giả mạc che kín đường thở gây nghẹt thở, nếu không cấp cứu mở khí quản, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp cấp.

Bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng viêm dây thần kinh vận động ngoại biên; có thể gây liệt các dây thần kinh sọ; gây liệt màn hầu khẩu cái; liệt mềm các chi; liệt cơ hoành, cơ liên sườn. Liệt cơ hoành, cơ liên sườn có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp .

Cách phòng bệnh bạch hầu

Trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm đi rất nhiều. Và sau nhiều năm không có ca bệnh, nhiều bác sĩ không biết bệnh nhân bạch hầu song vừa qua bệnh lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Từ trường hợp nữ sinh tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân phải được cách li và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong trên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong do bạch hầu.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, trường hợp dương tính với bạch hầu là M.T.B, 18 tuổi, tạm trú huyện Hiệp Hòa, thường trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Ngày 25 - 28.6, M.T.B. và M.T.S. về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT, ở cùng phòng với một người mắc bệnh bạch hầu.

Khi quay lại Bắc Giang, B và S đau họng, cùng lúc đó cả hai biết người bạn cùng phòng ở Nghệ An trước đây đã mất vì bạch hầu nên tự mua thuốc kháng sinh uống.

B làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với bạch hầu. Nữ sinh cũng được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để điều trị. Còn S và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đã được cơ quan chuyên môn huyện Hiệp Hòa thu dung và đưa vào khu vực cách ly.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật