Moscow phá hủy hầu hết vũ khí phương Tây cấp cho Ukraine
Theo giới chức quân sự Nga, đa số các thiết bị quân sự do các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine đều đã bị Lực lượng Vũ trang Nga phá hủy
Hôm 20/02, cơ quan báo chí của SVR (Cơ quan tình báo đối ngoại Nga) đưa tin, kể từ tháng 12/2021 đến nay, các nước NATO đã chuyển giao cho Ukraine 1170 hệ thống phòng không, 440 xe tăng, 1510 xe chiến đấu bộ binh, 655 hệ thống pháo binh các loại nhưng đa số chúng đã bị Lực lượng Vũ trang Nga phá hủy.
Theo thông báo của văn phòng báo chí của Cục Tình báo Đối ngoại Nga, SVR đã nắm được chi tiết kể từ khi tình hình Nga-Ukraine leo thang căng thẳng vào tháng 12/2021 đến nay, các nước NATO đã chuyển cho Lực lượng Vũ trang Ukraine hơn 1.170 hệ thống phòng không, 440 xe tăng, 1.510 xe chiến đấu bộ binh, 655 hệ thống pháo mặt đất.
Ngoài ra, chính quyền Kiev đã nhận được từ các quốc gia NATO 9.800 quả đạn pháo phản lực phóng loạt (MLRS); 609.000 tên lửa và đạn chống tăng, cùng với 1.206.000 quả đạn pháo.
Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga nhấn mạnh rằng, đa số các thiết bị quân sự do các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine đều đã bị Lực lượng Vũ trang Nga phá hủy và phương Tây hiện đang nỗ lực lấp đầy các kho vũ khí trống rỗng của mình.
Trong một động thái có liên quan, Slovakia định đem “tặng” cho Ukraine các máy bay chiến đấu MiG-29 đã loại biên từ lâu.
Nước này hiện cũng không còn đào tạo phi công lái MiG-29, nên việc cất giữ những chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn thời Liên Xô dẫn đến tốn phí không cần thiết.
Thông báo trên ấn phẩm trực tuyến Teraz của Bratislava hôm 20/02 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia là ông Yaroslav Nad cho biết, việc đem tặng số máy bay này cho Ukraine sẽ không làm giảm khả năng quốc phòng của nước Cộng hòa, lại không tốn kém kinh phí phá hủy, trong khi lại được bồi hoàn một khoản tiền không nhỏ.
“Các chiến đấu cơ MiG-29 của Slovakia không bay nữa, không huấn luyện phi công để lái, nếu cất giữ đòi hỏi chi phí bảo trì.
Đem tặng số máy bay này cho Ukraine sẽ không làm giảm khả năng quốc phòng của đất nước, thêm vào đó 50-60% giá trị máy bay chiến đấu sẽ được bồi thường cho Slovakia thông qua các cơ chế toàn cầu của châu Âu” - báo trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng.
Theo lời Bộ trưởng, trong Không quân Slovakia chỉ 4 phi công có thể lái MiG-29 và việc đào tạo phi công mới đã bị dừng lại vào năm 2020 theo quyết định của Chính phủ thuộc đảng Dân chủ-Xã hội cầm quyền.
Được biết, trong cuộc đàm phán ngày 09/02 bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã chính thức đề nghị Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu MiG-29 mà Slovakia đang có. Ông Heger trả lời rằng Slovakia sẽ “cố gắng tối đa” để đáp ứng yêu cầu này.
Tuy nhiên, ông Yaroslav Nad cũng thừa nhận rằng, mặc dù ý định tặng chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine cùng những điều kiện kèm theo đã được giới chức quốc phòng nước này quyết định, nhưng trước tiên, vấn đề này sẽ phải được đưa ra thảo luận và thông qua tại Quốc hội.
Tuy nhiên, một ngày sau, đảng đối lập "Đường lối Xã hội Dân chủ" (“Kurs”) đã khởi xướng triệu tập phiên họp Quốc hội bất thường bàn về khả năng chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine.
Theo lời thủ lĩnh đảng “Kurs” là ông Robert Fico, lời hứa tặng máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine của Heger là vi hiến, vì sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được Quốc hội thông qua vào ngày 15/12/2022, nội các hiện tại chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình theo uỷ thác của Tổng thống Zuzana Chaputova, cho đến cuộc bầu cử Quốc hội sớm, dự kiến vào ngày 30 tháng 9 năm nay.
Được biết, trong thông báo hồi cuối năm 2022 Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố rằng, kể từ khi bắt đầu Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, lực lượng vũ trang nước này đã phá hủy tới 339 máy bay quân sự các loại, 180 máy bay trực thăng và 2.628 thiết bị bay không người lái của Ukraine.