Thủ tướng Chính phủ: Phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng
Sáng 26/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những đối thoại với thanh niên xoay quanh chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong khuôn khổ đối thoại, bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi: “Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?”
Đề cập về giải pháp nâng cao tính an toàn về an ninh mạng quốc gia, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp Việt Nam vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Về giải pháp an ninh mạng, cần nâng cao 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng đề cập về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra.
Đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng. Thứ nhất, nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng cho người dùng.
Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng website www.khonggianmang.vn để tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng và cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình. "Đây là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng"- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiếp phần trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, bình luận thêm về tư duy và phương pháp luận giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Cái gì cũng có hai mặt, tích cực và hạn chế, tiến bộ có thể đi đôi với những cản trở.
"Trong cuộc sống và tư duy, tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản", Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; phải xem là việc bình thường khi có thuận lợi này thì sẽ kèm theo khó khăn khác, quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc.
Cụ thể hơn về câu hỏi của bạn Nguyễn Thành Trung, Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng. Thứ hai là phân công các bộ, ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố. Thứ ba là phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Thứ tư là đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.
Bạn Nguyễn Thành Trung - học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi đối thoại, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng đã đặt câu hỏi: Cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?
Chia sẻ thêm về điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thứ nhất, cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương; đồng thời, phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội. Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.
Vấn đề thứ hai, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Để cải cách thủ tục thì có nhiều giải pháp, nhưng hai giải pháp rất cơ bản gồm: Một là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; hai là ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, cơ quan giải quyết thủ tục.
Giải pháp thứ ba là riêng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những khu vực này bao giờ cũng có thiệt thòi, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và khi có chính sách mới thì luôn có các chính sách riêng với các khu vực này.
Muốn chuyển đổi số phải có sóng và điện, nên Chính phủ tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện, dù có tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Có những cụm dân cư chỉ 3, 4 hộ dân cheo leo trên núi, Viettel, VNPT, EVN… và các cơ quan phải kéo điện và sóng. Cùng với đó, phải có ưu tiên về chính sách, đào tạo nhân lực… với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.