• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh: Yêu cầu cấp bách

Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp bách.

Sáng 26/3, Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh (DXCenter) tổ chức Hội thảo "Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh".

Hội thảo nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất bền vững và mô hình tăng trưởng xanh; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về việc xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất xanh và phát triển kinh tế bền vững.

Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh: Yêu cầu cấp bách
Ông Trần Hữu Dũng - Giám đốc Công ty Công viên phần mềm Quang Trung

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Dũng - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung - nhấn mạnh: Các nước trên thế giới và ngay tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và giới hạn tài nguyên, việc chuyển đổi hệ thống sản xuất truyền thống thành một mô hình bền vững không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một yêu cầu cấp bách. Đây là sự cần thiết để bảo vệ tương lai cho thế hệ tiếp theo, là biện pháp thiết thực để bảo vệ môi trường và tạo ra sự phát triển bền vững.

Việt Nam đã tham gia vào các công ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm toàn cầu, về biến đổi khí hậu, về bảo vệ môi trường... Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách phục vụ cho chuyển đổi xanh. Các quyết định, thông tư được đưa ra nhằm hướng đến mục tiêu Việt Nam Net Zero vào năm 2050 và xu hướng phát triển kinh tế bền vững (ESG -Environmental, Social, and Governance).

Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh: Yêu cầu cấp bách
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, các diễn giả đều nhìn nhận phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Trong đó, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Các diễn giả cũng giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp những thông tin hữu ích về xu thế phát triển bền vững; chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn về việc xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất xanh - phát triển kinh tế bền vững...

Ông Phạm Hoài Trung - Trưởng ban vận động Net to Zero 2050 ứng phó biến đổi khí hậu, Nhà sáng lập công ty AziTech đã thông tin những điểm cốt lõi về “Chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững”. Trong đó, trụ cột và nền móng ESG (Môi trường - Quản trị - Xã hội) là một yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư và chọn lựa đối tác kinh doanh. Trước tiên, phải chuyển đổi trong tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, tài chính, sản xuất, sản phẩm, tiêu dùng, thương mại, doanh nghiệp, công nghệ, vận tải, năng lượng… sang chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội - bảo vệ môi trường.

Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh: Yêu cầu cấp bách
Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng - Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường TP. Hồ Chí Minh

Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng - Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Doanh nghiệp hướng đến phát triển xanh cần gắn kết tuần hoàn và kinh tế số cho phát triển bền vững. Trong đó, kinh tế số được hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa vào công nghệ số, còn kinh tế tuần hoàn là một mô hình trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Gắn kết kinh tế số, kinh tế tuần hoàn chúng ta sẽ chuyển đổi thành nền kinh tế xanh, từ đó hướng đến phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (chuyển đổi kép) đã trở thành một yếu tố quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Theo bà Thanh Phượng, chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả và sự linh hoạt trong quản lý sản xuất mà còn giúp tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu lãng phí. Đồng thời, chuyển đổi xanh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng.

Liên quan đến nội dung làm thế nào để “Chuyển đổi số trong sản xuất xanh”, ông Phí Anh Tuấn - Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ & Tư vấn Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức khi chuyển sang sản xuất xanh.

Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh: Yêu cầu cấp bách
Các diễn giả thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về việc xây dựng, thực hiện các mô hình sản xuất xanh và phát triển kinh tế bền vững tại hội thảo

Do đó, để sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp kiểm soát giúp tăng hiệu quả trong sản xuất xanh như: Ứng dụng MES (hệ thống điều hành sản xuất được sử dụng trong các nhà máy với các mục đích theo dõi, giám sát, kiểm soát hệ thống sản xuất và lưu trữ dữ liệu phức tạp) - tự động dụng hóa dây chuyền sản xuất; tăng cường khai thác hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Đồng thời tập trung đáp ứng các chỉ tiêu trong lộ trình ESG (Môi trường - Quản trị - Xã hội) cũng như giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả năng suất và giảm rủi ro về quy định và chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, để thức đẩy sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục chung tay thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, cần có những chính sách khuyến khích và ưu tiên những đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn, đồng thời hoàn thiện khung cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững...

 

Tác giả: Minh Khuê
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật