• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 15.9: Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn bao nhiêu?

Thông tin về thị trường xăng dầu, trong đó có Quỹ bình ổn xăng dầu tiếp tục “nóng” trên các trang báo và thu hút sự quan tâm của bạn đọc ngày hôm nay, 15.9.

Trong đó, Báo Đầu tư đã đăng tải bài viết “Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý II/2022 còn 310,8 tỷ đồng”. Tác giả bài viết thông tin, Bộ Tài chính vừa thông tin công khai tới báo chí về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tính đến hết quý II/2022. Theo đó, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý II/2022 (đến hết ngày 30/6/2022) còn 310,8 tỷ đồng.Tổng số trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong quý II/2022 (từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022) là hơn 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng số sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong quý II/2022 là 526,7 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương trong quý II/2022 là 1,4 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm trong quý II/2022 là 1,792 triệu đồng. Tại thời điểm 31/3/2022, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm 169,9 tỷ đồng.

Tờ báo này cũng đồng thời đăng tải bài viết “Đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu MFN mặt hàng chế phẩm xăng”. Cụ thể, ngày 8/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng động cơ không pha chì (thuộc mã từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.

Tuy nhiên, ngoài mặt hàng xăng động cơ không pha chì, nhóm 27.10 còn có các chế phẩm, là sản phẩm chế biến từ dầu mỏ nhưng có chỉ số octan khác xăng động cơ và được sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc các ngành công nghiệp khác đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20%, Bộ đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất đối với các mặt hàng chế phẩm xăng này bằng với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng không pha chì là 10%.

Về giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng Ethanol, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số cơ quan về đề nghị về giảm thuế nhập khẩu MFN mặt hàng Ethanol mã HS 2207.20.19 từ 15% xuống 10%, mã HS 2207.20.11 từ 15% xuống 10%.

Vietnamnet phản ánh ý kiến của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu qua bài viết “TP.HCM họp 'nóng' về xăng dầu”. Theo đó, sáng 15/9, Sở Công Thương TP.HCM có cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu. Nội dung cuộc họp bàn về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.

Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho hay, tại cuộc họp này sẽ kiến nghị chỉnh cách điều hành giá hợp lý hơn, bởi hiện nay khi giá nhiên liệu biến động tăng/giảm, các doanh nghiệp bán lẻ đều bị bóp chiết khấu. Các doanh nghiệp cho rằng, nhà chức trách cần xem xét sao cho chiết khấu cố định của doanh nghiệp bán lẻ tối thiểu 1.700-2000 đồng/lít vì chỉ từ 1.500 đồng thì doanh nghiệp mới chạm điểm hòa vốn. Cùng với đó, DN bán lẻ xăng dầu cũng đề xuất loại bỏ hình thức thương nhân phân phối, vì đây là đơn vị trung gian đang làm giảm quyền lợi của cửa hàng bán lẻ.

Cùng với diễn biến thị trường xăng dầu, xuất nhập khẩu cũng là nội dung được các cơ quan báo chí phản ánh trong ngày hôm nay 15.9.

Theo đó, báo Đầu tư đăng tải bài viết “8 địa phương xuất khẩu trên 10 tỷ USD có thêm tên Bắc Giang và Hà Nội”. Số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có 8 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng tỉnh, thành phố xuất khẩu đạt chục tỷ đô tăng thêm 2 là Bắc Giang và Hà Nội.Trong đó, Bắc Giang đứng thứ 7 với xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng mạnh tới 60,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 5,26 tỷ USD. Hà Nội ở vị trí thứ 8 với 11,36 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, tương kim ngạch tăng thêm 1,65 tỷ USD.

KinhteSaigononline phân tích yếu tố mới liên quan đến ngành gạo Việt Nam qua bài viết “Chính sách mới của Ấn Độ tác động ra sao với ngành lúa gạo Việt Nam?”. Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới hiện nay đang thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho biết, khi nhìn vào thực tế xuất khẩu, thì phân khúc gạo của Ấn Độ và Việt Nam khác nhau. Việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% đã phần nào tạo lực đẩy khiến giá gạo Việt Nam sôi động trở lại trong những ngày gần đây.

Ông Thành cho biết, so với thời điểm ngày 9-9, tức khi có thông tin Ấn Độ áp 20% thuế xuất khẩu gạo, thì đến hôm nay đã tăng khoảng 300-400 đồng/kg. “Gạo Việt Nam hiện nay có hai loại chính là OM5451 và OM18, thì gạo nguyên liệu mới từ mức giá 8.100-8.200 đồng/kg nay đã tăng lên 8.500-8.600 đồng”, ông dẫn chứng.

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan