• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo và Densavan

Việc xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavan là rất phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thương mại dịch vụ du lịch hiện nay của cả Việt Nam và Lào; là xu thế tất yếu

Chiều nay(15/3), tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị diễn ra Hội thảo về “Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam)-Densavan (tỉnh Savannakhet, Lào): Từ ý tưởng đến hiện thực”. Hội thảo do tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet nước bạn Lào tổ chức thu hút hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan Bộ, ngành Trung ương, địa phương 2 nước Việt Nam – Lào, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo và Densavan- Ảnh 1.

Đại biểu dự Hội thảo

Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị được thành lập năm 1998, tên gọi ban đầu là Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt Nam và Lào. 26 năm qua, tỉnh Quảng Trị tập trung đầu tư phát triển, từng bước hình thành diện mạo của đô thị vùng biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam. Tuy nhiên, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo chưa phát triển được như kỳ vọng, cơ chế chính sách còn bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ, tạo động lực mới cho khu vực biên giới

Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) và Khu Thương mại biên giới Densavan (Lào) được hình thành xuất phát từ lợi thế của khu vực, chủ trương của hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1997, xây dựng “Khu vực Thương mại tự do Lao Bảo - Densavan”. Nghị quyết số 26 năm 2022 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra chủ trương: “Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông - Tây”.

Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo và Densavan- Ảnh 2.

Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo

Tại Thoả thuận về “Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Việt Nam và Lào năm 2023”, ký ngày 12/01/2023 đã đưa nội dung thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây vào văn kiện ký kết giữa hai Thủ tướng. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) xây dựng Đề án thí điểm “Xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan” để tham mưu cho các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ hai nước triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này. Ông Sen xắc Su ly xắc, Phó tỉnh Trưởng tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào khẳng định: “Việc thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Den savan - Lao Bảo, Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet nhận thấy tầm quan trọng của sự thống nhất cao trong quá trình thành lập và sẵn sàng hợp tác để khu kinh tế này chính thức được thành lập, trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước Lào - Việt Nam".

Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo và Densavan- Ảnh 3.

Ông Sẻn xắc Su ly xắc, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào phát biểu tại hội thảo

Hội thảo nhằm giới thiệu nội dung Đề án, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội dự kiến áp dụng tại Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung để lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Đây là cơ sở để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet tiếp tục hoàn thiện Đề án và dự thảo nội dung Hiệp định giữa hai Chính phủ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Uỷ ban hợp tác Việt Nam - Lào và các bộ, ngành của hai nước.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị  kỳ vọng, khi Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung đi vào vận hành sẽ có tính khả thi cao, phù hợp tình hình thực tiễn và mối quan hệ Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới và thực sự có sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại khu vực nhiều tiềm năng này: “Tỉnh Quảng Trị đã xác định, bên cạnh việc phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, thì phải đồng thời tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và phối hợp với tỉnh Savannakhet điều chỉnh quy hoạch Khu Thương mại biên giới Densavan phù hợp với định hướng phát triển mới và tích cực quảng bá thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại hai Khu kinh tế”.

Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo và Densavan- Ảnh 4.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý 2 bên tập trung làm rõ tính khả thi và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung. Các ý kiến tại Hội thảo tập trung đề xuất giải pháp huy động nguồn vốn, đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và khu công nghiệp, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Việc xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavan là rất phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thương mại dịch vụ du lịch hiện nay của cả Việt Nam và Lào; là xu thế tất yếu khi tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi, phát triển.

Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo và Densavan- Ảnh 5.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau một quá trình phát triển thiếu thực chất, trải qua thăng trầm của Khu Kinh tế Cửa khẩu được xác định là “đặc biệt cấp quốc gia, với các ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao nhất mà quốc gia có”, định hướng xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại Xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan như một hình mẫu phát triển mới căn bản và thực chất là cần thiết và tất yếu: "Sau một quá trình dài phát triển thiếu thực chất, hướng xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại Xuyên Biên  chung Lao Bảo – Densavan phải được coi như một hình mẫu mới căn bản và thực chất. Là hình mẫu phát có tính chất thí điểm, nếu không thì rủi ro về mặt chính sách".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật