Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN
Theo các dự báo của IMF, HSBC, ADB, UOB, Fitch Ratings và Oxford Economics, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ bão số 3, Việt Nam tiếp tục được dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, vượt trội so với các nước ASEAN-6.
![Các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.](https://media.tapchitaichinh.vn/w1480/images/upload//2025/02/11/kinh-te-viet-nam.jpg)
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong tiếp xúc đối ngoại, các đối tác quốc tế không chỉ đánh giá tích cực về tốc độ tăng trưởng mà còn nhiều lần nhấn mạnh mô hình phát triển “hình mẫu” của Việt Nam.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khẳng định: “Việt Nam là hình mẫu về nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”. Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng, Việt Nam là một trong những hình mẫu về phát triển, niềm tin và sự lạc quan.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhấn mạnh, khả năng chống chịu và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên hai trụ cột vững chắc, là một thể chế mạnh, ngày càng hoàn chỉnh và tiếp cận ưu tiên tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo tính bao trùm trong hoạch định các chính sách vĩ mô.
Các đại sứ, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế tiếp tục khẳng định, Việt Nam là điểm sáng của khu vực và thế giới; đánh giá cao điều hành vĩ mô, quyết tâm hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đối mới sáng tạo của Chính phủ. Các đối tác bày tỏ tin tưởng vào khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình; mong muốn tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong trung và dài hạn.
Về tiềm năng và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các báo cáo gần đây của UNCTAD, WTO và nhiều tổ chức quốc tế nhấn mạnh vai trò kết nối quan trọng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh phân tách kinh tế gia tăng giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc, Nga. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) tiếp tục nâng hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam lên thứ 44/133 quốc gia (đứng thứ 04 trong ASEAN), tăng 02 bậc so với năm 2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Theo báo cáo Chỉ số Đầu tư Toàn cầu (GOI) của Viện Milken, Việt Nam thuộc top 5 các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á có môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo kết quả khảo sát của Bain & Company, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về thu hút nhà đầu tư dài hạn, dự báo hoạt động đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng 83% trong giai đoạn 2025-2030. Quyết tâm triển khai cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới (WB) đề nghị Việt Nam giúp lan tỏa thành công trong việc trồng lúa phát thải thấp tới các quốc gia khác. WEF xếp Việt Nam ở vị trí thứ 32 trong bảng thống kê Chỉ số năng lượng, là quốc gia đứng thứ hai trong nhóm các nước mới nổi và đang phát triển tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc).
Việc các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt. Các học giả quốc tế nhiều lần nhấn mạnh lợi thế về thể chế, nhân lực của Việt Nam so với các nước ASEAN trong thu hút FDI chất lượng cao. Đặc biệt, các hãng truyền thông lớn đưa tin dày và rất tích cực về việc Chính phủ Việt Nam và NVIDIA hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI, Trung tâm Dữ liệu AI; bày tỏ ấn tượng về cách Chính phủ Việt Nam tiếp đón Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang trong các chuyến công tác tại Hà Nội trong năm qua.
Các đối tác quốc tế bày tỏ ấn tượng với quyết tâm của Việt Nam và cảm nhận tích cực về không khí, tinh thần phấn chấn của toàn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội trước một kỷ nguyên mới, ví đây như thời kỳ Đổi mới 2.0 của Đất nước. Trong trao đổi, các đối tác bày tỏ sự đồng tình cao với định hướng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như nỗ lực triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tốc độ thực hiện các giải pháp về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy chính trị.
Tuy nhiên, về mặt thách thức, các đối tác quốc tế nhấn mạnh một số vấn đề mà Việt Nam hiện phải đối mặt. Đó là mức độ liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước còn hạn chế, giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra trong kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Tăng trưởng việc làm gắn với nhu cầu trong nước thấp, lao động chịu tác động của thị trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, chi phí lao động tăng không đi kèm với sự cải thiện về năng suất, gây xói mòn năng lực cạnh tranh quốc gia. Hạ tầng năng lượng và giao thông chưa đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và chuyển đổi năng lượng. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung điện than cao. Mức độ sẵn sàng về AI thấp hơn nhiều quốc gia trong ASEAN, hạ tầng số, thị trường trung tâm dữ liệu còn khiêm tốn.