• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toàn cảnh truyền thông các thành phố lớn trong quý I/2025: Hà Nội và TP.HCM khẳng định vị thế truyền thông dẫn đầu

Trong bối cảnh truyền thông số bùng nổ, hình ảnh của các thành phố không chỉ được xây dựng qua hạ tầng và chính sách, mà còn thông qua cách chúng được nhắc đến và cảm nhận trên các kênh truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Trong bài viết này, Vibiz sẽ phân tích chi tiết về lượng đề cập, lượng tương tác của người dùng, cũng như cảm xúc tích cực và tiêu cực trong các luồng thông tin truyền thông của sáu thành phố lớn gồm Hà Nội (Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hà Nội, HN), Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM, Sài Gòn), Đà Nẵng (Thành phố Đà Nẵng, thành phố biển Đà Nẵng), Hải Phòng (Thành phố Hải Phòng, cảng Hải Phòng), Huế (Thành phố Huế, Kinh thành Huế, Đại Nội Huế) và Cần Thơ (Thành phố Cần Thơ, cầu Cần Thơ) trong quý I/2025. Bên cạnh đó, bài viết còn mang đến những góc nhìn đa chiều về cách các thành phố đang được cảm nhận trên không gian số, từ đó mở ra những gợi ý chiến lược truyền thông phù hợp, giúp từng địa phương nâng cao hình ảnh và tăng cường kết nối với công chúng một cách hiệu quả hơn.

Bức tranh tổng thể về lượng đề cập

Trong quý I/2025, Hà Nội tiếp tục củng cố vị thế trung tâm truyền thông quốc gia khi dẫn đầu với 50% tổng lượt đề cập trực tuyến, phản ánh mức độ quan tâm đặc biệt mà công chúng dành cho thủ đô - nơi hội tụ các hoạt động chính trị, văn hóa và xã hội quan trọng của cả nước. Xếp thứ hai là TP.HCM với 31,4% lượt đề cập, khẳng định rõ nét sức ảnh hưởng không thể phủ nhận của trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam trong dòng chảy truyền thông. Trong khi đó, nhóm các thành phố như Đà Nẵng (6,9%), Hải Phòng (4,7%), Huế (3,6%) và Cần Thơ (3,3%) chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Đáng chú ý, dù sở hữu tiềm năng phát triển rõ rệt, Đà Nẵng và Cần Thơ vẫn chưa tối ưu hóa hiện diện truyền thông, đặt ra yêu cầu về chiến lược định vị thương hiệu bài bản để gia tăng tương tác trong tương lai.

Thống kê lượng đề cập

(Nguồn: Vibiz Monitoring, quý I/2025)

Đánh giá lượng đề cập trên mạng xã hội (MXH) và ngoài MXH

Trên không gian mạng xã hội, Hà Nội áp đảo với 64,6% tổng lượt đề cập, gấp đôi TP.HCM (31%). Các đô thị còn lại như Hải Phòng (1,2%), Đà Nẵng (2,2%), Huế (0,7%) và Cần Thơ (0,4%) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, phản ánh khoảng trống trong chiến lược truyền thông số của nhóm này.

Lượng đề cập trên mạng xã hội và ngoài MXH

(Nguồn: Vibiz Monitoring, quý I/2025)

Đối với truyền thông ngoài MXH, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 38,7% tổng số lượt đề cập, trong khi TP.HCM đứng thứ hai với 31,8%. Đáng chú ý, tỷ lệ Hiện diện ngoài MXH (10,6%) của Đà Nẵng vượt trội hơn hản so với MXH. Các thành phố khác như Hải PhòngHuế và Cần Thơ cũng có mức độ đề cập tương đối, lần lượt là 7,5%5,9% và 5,6. Kết quả này cho thấy, một số địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng hay Huế dù Đã xây dựng được độ nhận diện nhất định qua kênh truyền thống, song việc chưa cân đối đầu tư vào MXH đang hạn chế khả năng mở rộng ảnh hưởng và định vị thương hiệu đô thị trong bối cảnh số hóa.

Tương tác của công chúng

Về mức độ tương tác, TP.HCM vượt trội với 64,6% lượt chia sẻ56,7% lượt thích và 48,5% bình luận, phản ánh sức hút mạnh mẽ của nội dung liên quan đến thành phố trong cộng đồng mạng. Hà Nội đứng thứ hai với 25% lượt chia sẻ24,8% lượt thích và 38,4% bình luận, cho thấy mặc dù có lượng đề cập lớn, nhưng hiệu quả lan tỏa của thông tin vẫn chưa tối ưu. Các thành phố khác như Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng và Cần Thơ ghi nhận tỷ lệ tương tác thấp, đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải thiện chất lượng nội dung để thu hút sự chú ý của công chúng.​

Lượng chia sẻ, like và bình luận

(Nguồn: Vibiz Monitoring, quý I/2025)

Sắc thái đề cập

Hà Nội dẫn đầu cả hai chỉ số tích cực (50,1%) và tiêu cực (50,2%), phản ánh sự phân cực trong nhận thức công chúng. Dù được nhắc đến nhiều với các nội dung tích cực, nhưng các thông tin tiêu cực về Hà Nội vẫn chiếm ưu thế về mức độ nổi bật, phần lớn xoay quanh các vụ việc nghiêm trọng như kỷ luật 18 tổ chức Đảng và 30 đảng viên liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, bắt giữ 6 cán bộ quận Hoàng Mai vì nhận hối lộ và tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng…

Tương tự, TP.HCM chiếm 31,3% lượng đề cập tích cực và 31,7% lượng đề cập tiêu cực, cho thấy bức tranh truyền thông nghiêng nhẹ về chiều hướng tiêu cực, với một loạt tin tức tiêu cực liên quan đến việc kỷ luật 5 cán bộ do liên quan vụ án Thuận An, bắt giữ 27 người liên quan đường dây vận chuyển, phát hiện đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Campuchia về TP.HCM …

Lượng đề cập tích cực, tiêu cực

 (Nguồn: Vibiz Monitoring, quý I/2025)

Hải Phòng nổi lên như điểm nóng tiêu cực khi tỷ lệ đề cập không mong muốn (12,5%) vượt xa mức tích cực (8,6%). Sự gia tăng các thông tin tiêu cực như các vụ án ma túy lớn với hàng chục đối tượng bị bắt giữ, tình trạng chậm tiến độ nhiều dự án đầu tư quan trọng và những bất cập trong công tác quy hoạch, sử dụng đất đai… đã khiến hình ảnh thành phố bị ảnh hưởng đáng kể trên các kênh truyền thông.

Tại Đà Nẵng, dù mức độ hiện diện trên truyền thông không cao, nhưng chênh lệch giữa lượng đề cập tích cực là 3,8% và tiêu cực là 5,9% vẫn đáng lưu ý. Các vụ việc tiêu cực về mua bán hóa đơn trái phép lên đến hàng nghìn tỷ, trộm cắp và cướp giật tài sản lộng hành, cùng sai phạm trong ngành thi hành án tại Đà Nẵng đã ảnh hưởng khá nhiều đến hình ảnh minh bạch, hiện đại mà thành phố theo đuổi.

Ngoài ra, Huế với lượng đề cập khiêm tốn với 2,1% lượng đề cập tích cực và 2,9% tiêu cực, trong đó các nội dung tiêu cực chủ yếu liên quan đến sai phạm tại Đại học Huế, ô nhiễm môi trường và tiến độ thi công cầu vượt gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, phần nào làm lu mờ những nỗ lực phát triển của địa phương… Trong khi đó, Cần Thơ có tỷ lệ đề cập thấp nhất, với 1,9% lượng đề cập tích cực và 3,3% lượng đề cập tiêu cực, cho thấy mức độ hiện diện truyền thông còn mờ nhạt. Dù vậy, các vấn đề như chậm tiến độ dự án Trần Phú và sai phạm tại Bệnh viện Da liễu vẫn phản ánh rõ những tồn tại trong công tác quản lý đô thị của thành phố.

Bức tranh truyền thông trong quý I/2025 cho thấy sự vượt trội của Hà Nội và TP.HCM không chỉ về mặt số lượng đề cập, mà còn ở sắc thái lượng đề cập. Tuy nhiên, mức độ tiêu cực song hành với lượng đề cập lớn cũng là một cảnh báo cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát khủng hoảng và chủ động xây dựng hình ảnh tích cực. Với các thành phố như Đà NẵngHải PhòngHuế và Cần Thơ, dù còn hạn chế về hiện diện và tương tác trên truyền thông, song vẫn sở hữu nhiều tiềm năng để bứt phá nếu biết khai thác tốt thế mạnh đặc trưng, nâng cao chất lượng nội dung truyền thông và tăng cường sự kết nối với cộng đồng trên MXH. Trong bối cảnh truyền thông số ngày càng định hình nhận thức công chúng, việc xây dựng một chiến lược truyền thông bài bản, lấy dữ liệu làm nền tảng và nội dung làm trọng tâm sẽ là chìa khóa giúp các thành phố không chỉ hiện diện nhiều hơn, mà còn hiện diện một cách tích cực và bền vững hơn trong lòng công chúng.

BCSI-VIBIZ


Nguồn:https://bcsi.edu.vn/tin-tuc/thuong-hieu/toan-canh-truyen-thong-cac-thanh-pho-lon-trong-quy-i-2025-ha-noi-va-tp.hcm-khang-dinh-vi-the-truyen-thong-dan-dau.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết