• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường carbon: Chìa khóa mở cánh cửa Net Zero của Việt Nam

Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 nhấn mạnh vai trò của thị trường carbon như một công cụ kinh tế giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0.

Việt Nam bước vào 'kỷ nguyên' thị trường carbon

Ngày 18/7, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Net Zero Việt Nam. Hiện nay, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu lớn nhất, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia. Mục tiêu chung hiện nay là trung hòa carbon và đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). 

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Lê An

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Lê An

Diễn đàn Net Zero Việt Nam, do Viện Viện Tư vấn phát triển tổ chức hằng năm, góp phần hỗ trợ thực hiện cam kết của Chính phủ. Diễn đàn năm 2025 quy tụ gần 200 đại biểu thảo luận về chủ đề “Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”, một lĩnh vực mới nhưng giàu tiềm năng hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero.

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) nhấn mạnh Net Zero là một trong những cam kết vĩ đại nhất mà nhân loại từng thực hiện, với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm kết thúc mà chỉ là khởi đầu cho nhiều hành động mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ hành tinh.

Ông Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng thảm họa thiên nhiên và đại dịch đang gia tăng nhanh chóng. Đại dịch từng xảy ra cách nhau hàng thế kỷ, nay đã rút ngắn còn chưa đầy hai thập kỷ. Có khoảng 1,6 triệu virus trong tự nhiên có khả năng lây sang người, trong bối cảnh rừng, nguồn nước và đất đai đang bị tàn phá nghiêm trọng, hệ lụy không chừa một quốc gia nào.

Một nguy cơ khác là sự gia tăng chưa từng thấy của hàm lượng carbon trong không khí, vốn ổn định suốt hàng nghìn năm trước đó, cùng với tốc độ phát thải khí nhà kính ngày càng cao. Đặc biệt, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát thải tăng nhanh nhất hiện nay, đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE). Ảnh: Lê An

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE). Ảnh: Lê An

“Giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm, mà là nhiệm vụ sống còn của loài người", TS. Lê Xuân Nghĩa nói và khẳng định nỗ lực Net Zero sẽ không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do hay cá nhân nào, bởi chính các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp toàn cầu, đã và đang tự nguyện tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững như báo cáo ESG, coi đó là điều kiện để tồn tại và hội nhập.

Từ năm 2027, ngành hàng không toàn cầu sẽ bắt đầu đánh thuế phát thải, mức thu này sẽ thể hiện trực tiếp trên vé máy bay. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đang chủ động chuẩn bị.

“Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu hơn 2.000 doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính, coi đây là yêu cầu bắt buộc để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, TS Lê Xuân Nghĩa lưu ý.

Đồng thời, ông Lê Xuân Nghĩa lưu Viện CODE hiện là đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực này, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với các cánh rừng đầu nguồn ở Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam, Myanmar và Bhutan, nhằm duy trì hàm lượng carbon, bảo vệ đất, nguồn nước và hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

“Diễn đàn Net Zero là một hoạt động thường niên rất quan trọng, góp phần đưa ra các giải pháp cụ thể hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới cam kết quốc gia về Net Zero vào năm 2050”, ông Lê Xuân Nghĩa kết luận.

Lực đẩy cho mục tiêu Net Zero

Phát biểu tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh: Thị trường carbon là một trong năm giải pháp trụ cột giúp Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần có sự đồng hành mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về tài chính, công nghệ, đồng thời gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý trong nước nhằm vận hành hiệu quả thị trường carbon trong những năm tới.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Lê An

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Lê An

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã xây dựng một đề án tổng thể với năm giải pháp chính gồm chuyển đổi năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển rừng và các hệ sinh thái hấp thụ carbon; thu hồi và lưu trữ carbon; và định giá carbon. Trong đó, thị trường carbon, chủ đề chính của Diễn đàn, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết lượng phát thải, tạo ra công cụ kinh tế hữu hiệu cho tiến trình chuyển đổi xanh.

Ông Nguyễn Tuấn Quang dẫn chứng, hiện có khoảng 80 quốc gia áp dụng các công cụ định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon. Các công cụ này đang kiểm soát khoảng 28% tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu, tương đương 12 đến 14 tỷ tấn mỗi năm, với giá trị giao dịch lên tới hơn 150 tỷ USD. 

Tại châu Âu, hệ thống thương mại phát thải ETS đã giúp giảm khoảng 35% lượng khí nhà kính kể từ năm 2005. Singapore áp dụng thuế carbon, trong khi Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang phát triển hệ thống thị trường riêng. Những mô hình này cho thấy hiệu quả thực tế, đồng thời là kinh nghiệm quan trọng để Việt Nam tham khảo và vận dụng.

Trên thực tế, Việt Nam không phải là người đến sau. Từ những năm 2000, Việt Nam đã tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế thông qua các cơ chế như CDM, JCM và các chương trình độc lập như Verra hay Gold Standard. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 150 dự án được cấp tổng cộng 40,2 triệu tín chỉ carbon. Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia có số lượng dự án CDM đăng ký nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đặt ra lộ trình cụ thể: từ nay đến năm 2028 sẽ là giai đoạn vận hành thử nghiệm, tiến tới chính thức triển khai từ năm 2029 và kết nối với thị trường quốc tế.

Hiện nay, các bộ ngành đang khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo tiến độ. Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, và mới đây là Nghị định 19/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan. 

Bộ Tài chính đang trình dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon, nhằm tạo một nền tảng thống nhất để giao dịch các tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn quốc gia cũng như tiêu chuẩn quốc tế theo Thỏa thuận Paris. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về trao đổi quốc tế tín chỉ carbon, đảm bảo việc điều chỉnh tương ứng không làm ảnh hưởng đến phần đóng góp của Việt Nam trong các cam kết quốc tế.

Ông Nguyễn Tuấn Quang cảnh báo rằng nếu không có cơ chế quản lý phù hợp, việc giao dịch tín chỉ carbon ra nước ngoài có thể khiến Việt Nam bị trừ vào phần đóng góp, dẫn đến việc không hoàn thành chỉ tiêu phát thải. Đồng thời, việc thiếu điều tiết tín chỉ giữa các ngành trong nước cũng có thể gây ra hệ lụy lớn về chi phí và năng lực thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải.

Ông lấy ví dụ, từ năm 2026, các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ giảm phát thải quốc tế, với nhu cầu ước tính khoảng 2,3 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thị trường trong nước không phân bổ đủ tín chỉ, các hãng sẽ phải mua từ nước ngoài với chi phí cao hơn, gây áp lực tài chính không nhỏ. Tình huống tương tự cũng có thể xảy ra đối với ngành vận tải biển và các mặt hàng xuất khẩu như sắt thép, xi măng khi phải đáp ứng yêu cầu của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu từ năm 2026.

Một yếu tố then chốt khác được ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh là quy trình tạo lập tín chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, phương pháp tính toán rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi loại tín chỉ đều cần được kiểm soát từ nguồn gốc phát sinh đến khâu giao dịch, nhằm đảm bảo uy tín và hiệu quả thực tiễn cho thị trường trong nước và quốc tế.

Thị trường carbon đang mở ra hướng đi mới cho Việt Nam trong hành trình hướng tới Net Zero vào năm 2050. Với sự cam kết từ Chính phủ, nỗ lực của doanh nghiệp và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, Việt Nam đang từng bước biến cam kết khí hậu thành hành động cụ thể và hiệu quả.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết