• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bàn giải pháp mở rộng thị trường cho nhiều loại trái cây Việt

Chanh leo, chuối, dứa và dừa đang nổi lên là những mặt hàng có khả năng tiệm cận mốc xuất khẩu tỷ USD, góp phần đa dạng hóa cơ cấu ngành hàng rau quả Việt Nam.

Tại diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 18/7, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của các loại trái cây xuất khẩu chủ lực.

Bốn loại trái cây chủ lực có tiềm năng tăng trưởng nhanh

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt 15 triệu tấn/năm, với hơn 50 loại trái cây được trồng trên cả nước.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: NNVN

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: NNVN

Tuy nhiên, trong số này, chỉ sầu riêng đạt được kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, với 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024. Thanh long từng đạt hơn 1 tỷ USD nhưng đã giảm mạnh, chỉ còn 534 triệu USD trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, chanh leo, chuối, dứa và dừa đang được kỳ vọng trở thành những mặt hàng xuất khẩu chiến lược tiếp theo. Những loại trái cây này không chỉ có tiềm năng sản lượng lớn, mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng và yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Hiện nay, diện tích trồng chuối đạt khoảng 161.000 ha, với kim ngạch xuất khẩu gần 380 triệu USD, đưa Việt Nam vào Top 9 quốc gia xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới. Chuối Việt Nam đã hiện diện tại nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ. Dứa có diện tích hơn 52.000 ha, dừa gần 202.000 ha, còn chanh leo đạt trên 12.000 ha - tất cả đều đang mở rộng cả về quy mô trồng trọt lẫn năng lực chế biến sâu.

Phát biểu tại diễn đàn, ThS Ngô Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II - cho biết, việc đàm phán mở cửa thị trường trái cây tươi thường kéo dài và phức tạp, do liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Mỗi nước có quy trình riêng, nhưng đều tuân theo các bước cơ bản dựa trên quy định quốc tế và Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, truy xuất được nguồn gốc và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Khẳng định tiềm năng xuất khẩu đối với 4 loại trái cây như dừa, dứa, chanh leo và chuối, tuy nhiên, theo ThS Ngô Quốc Tuấn, một số thị trường nhập khẩu ngày càng bổ sung nhiều biện pháp kỹ thuật kiểm soát chặt chẽ về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản nhập khẩu.

Liên quan đến những trường hợp vi phạm về kiểm dịch thực vật (KDTV) và an toàn thực phẩm, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã thu hồi một số mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên sầu riêng và mít, việc này gây ảnh hưởng đến quá trình thương mại.

Việc mở cửa thị trường tại các nước Nam Mỹ vướng mắc nằm ở việc đây là những thị trường rất xa nên vận chuyển và bảo quản gặp nhiều khó khăn, trong khi đối thủ cạnh tranh như Peru, Ecuador, Mexico, Colombia, Costa Rica lại có cạnh tranh lớn hơn do sản phẩm tương tự và khoảng cách gần hơn.

Đối với thị trường ASEAN có khoảng cách gần và yêu cầu về kiểm dịch không quá cao. Tuy nhiên, các nước trong khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng nên sản xuất các mặt hàng nông sản, trái cây tương tự. Việc cạnh tranh với sản phẩm nội địa là không dễ dàng.

Cần chiến lược truyền thông và phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Như Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong bối cảnh thị trường siết chặt kiểm soát kỹ thuật, Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa công nghệ xử lý sau thu hoạch (như chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng), đồng thời kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng để tạo dựng niềm tin với đối tác quốc tế.

Về ngành dừa, bà Trần Lệ Hoa - Phó Ban Khoa học xã hội, Hiệp hội Dừa Việt Nam - cho rằng, ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý vùng trồng là bước đi quan trọng để minh bạch hóa quy trình sản xuất, tăng khả năng truy xuất và đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, bà Trần Lệ Hoa cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông: Cần đẩy mạnh truyền thông số, ứng dụng công nghệ đa phương tiện để quảng bá sản phẩm; đồng thời, xây dựng chiến lược truyền thông bài bản ở cấp quốc gia, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, để tăng sức cạnh tranh, ngành trái cây cần đẩy nhanh tái cấu trúc, nâng cấp chuỗi giá trị, hướng tới nền nông nghiệp xanh và hiện đại. Trong đó, cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch, gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào; hiện đại hóa công nghệ chế biến và logistics; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, việc tổ chức lại chuỗi liên kết, nâng cao vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp đầu chuỗi là yếu tố then chốt để tăng tính bền vững trong sản xuất và xuất khẩu. Việc tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường cho các loại trái cây chủ lực như chanh leo, chuối, dứa và dừa là nhiệm vụ trọng tâm nhằm mở rộng thị phần, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trái cây và giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Cùng với thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về mã số vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch; đăng ký mã cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường theo quy định, việc xây dựng thương hiệu cho các trái cây Việt Nam (chanh leo, dứa, dừa, chuối) từ đó quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh cho các trái cây.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết