SSI: Lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ sẽ kém khả quan trong năm 2023
Năm 2023, SSI cho rằng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ sẽ ở mức ổn định, tuy nhiên lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ có thể không khả quan.
Theo cập nhật mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm đã giảm nhẹ vào cuối năm so với thời điểm kết thúc quý III/2022. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 251.000 tỷ đồng tính đến ngày 12/12/20222, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Trong khi ở thời điểm kết thúc quý III, doanh thu phí bảo hiểm luỹ kế 9 tháng đạt 177.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
SSI cho biết, mức tăng trưởng 15,1% ghi nhận tính đến ngày 12/12/2022 là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Trong đó, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ thấp hơn so với dự kiến, tăng trưởng chậm hơn xảy ra ở cả kênh đại lý và kênh bancassurance. SSI cho rằng môi trường lãi suất cao có thể làm mức độ hấp dẫn của các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, trong khi các công ty bảo hiểm lại tập trung vào hạng mục sản phẩm này vì người tiêu dùng vẫn xem bảo hiểm như một kênh đầu tư hơn là một phương thức bảo vệ.
Bên cạnh đó, một số công ty bảo hiểm từ năm 2021 đã cơ cấu lại đội ngũ đại lý, cắt giảm những đại lý có hiệu quả thấp. Tính đến cuối quý III/2022, số lượng đại lý tại một số công ty bảo hiểm đã giảm từ 6 – 29%. Trong khi đó, doanh số kênh bancassurance vốn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng giải ngân các khoản vay mới đối với khách hàng cá nhân đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn quý III và đầu quý IV khi hạn mức tăng trưởng tín dụng đã gần cạn tại một số ngân hàng.
Ngoài ra, tâm lý người tiêu dùng lo ngại về thu nhập khả dụng giảm sút bởi tác động của các yếu tố như chiến tranh Nga – Ukraine, lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế trên thế giới có thể đã dẫn đến việc không gia tăng chi tiêu cho các sản phẩm bảo hiểm.
Về bảo hiểm phi nhân thọ, SSI cho rằng mức tăng trưởng phí bảo hiểm 19% luỹ kế 9 tháng năm 2022 là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.
Trong 9 tháng năm 2022, mảng bán lẻ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ do không còn giãn cách xã hội trong năm 2022. Doanh thu phí bảo hiểm xe máy và bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân đều có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, lần lượt là 17% và 30% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm hàng hải cũng đạt mức tăng trưởng khả quan nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt trong 9 tháng năm 2022. Tuy nhiên, bảo hiểm kỹ thuật vẫn trên đà giảm tốc trong năm thứ năm liên tiếp, điều này có thể được giải thích là do hoạt động đầu tư của cả khu vực công và tư nhân đều không có nhiều diễn biến tích cực.
Về triển vọng năm 2023, SSI cho rằng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ sẽ ở mức ổn định, tuy nhiên lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ có thể không khả quan.
“Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chúng tôi không kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm sẽ đến từ việc tăng mức phí bảo hiểm, ngoại trừ phân khúc bảo hiểm xe cơ giới. Tăng trưởng của hầu hết các phân khúc bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng hợp đồng khai thác mới của các công ty bảo hiểm”, báo cáo của SSI nêu rõ.
Đối với các nghiệp vụ bán buôn, động lực tăng trưởng có thể sẽ phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công, việc tái khởi động các công trường xây dựng đang dang dở và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Theo SSI, đây là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm (đặc biệt là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng hải, tài sản & thiệt hại).
SSI dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10 - 12%. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, SSI dự báo tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng 16 - 18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012 - 2021.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm có nội dung đề xuất các ngân hàng bán chéo bảo hiểm (bancassurance) phải ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn và lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng. Mặc dù Thông tư này vẫn vẫn chưa được phê duyệt, nhưng hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm qua chi nhánh ngân hàng đang được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn. SSI cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của thị trường.
Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao có thể cứu cánh cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.
Năm 2022, lãi suất tiền gửi đã tăng 400 - 500 điểm cơ bản so với đầu năm và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 257 điểm cơ bản so với đầu năm, trong khi ROI (tỷ suất hoàn vốn) của công ty bảo hiểm vẫn ở mức 5,8% - thậm chí thấp hơn mức 7,6% của năm 2021.
SSI cho rằng điều này chủ yếu là do lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh vào cuối quý III/2022 trong khi chỉ số VNIndex sụt giảm trong năm.
Đối với năm 2023, SSI kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm sẽ phản ánh hoàn toàn việc lãi suất huy động đã diễn ra trong năm 2022. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn được hưởng lợi từ việc giảm áp lực dự phòng toán học khi lãi suất kỹ thuật tăng phù hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn trên 10 năm.
SSI kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023.
Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ biến động khá mạnh giữa các quý. Tuy nhiên, với mức nền so sánh thấp trong quý II và quý III/2022, SSI cho rằng có thể tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ ở mức cao hơn trong quý II và quý III/2023.
Theo SSI, khung pháp lý về kinh doanh bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện cùng với việc các kế hoạch tăng vốn và phát hành thêm của công ty bảo hiểm có thể là những động lực tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu.
Luật Kinh doanh Bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Tuy nhiên, nghị định và thông tư hướng dẫn mới chỉ ở dạng dự thảo. Một trong những thay đổi quan trọng nhất theo SSI là những yêu cầu về việc công bố thông tin định kỳ minh bạch và nhất quán hơn, cũng như chuyển dần sang khung quản lý vốn dựa trên rủi ro.
Với khung quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn toàn cầu và chặt chẽ hơn, các công ty bảo hiểm có thể có nhu cầu tăng vốn để củng cố năng lực tài chính. Đây cũng sẽ là những cơ hội thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.