• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội đi đầu về chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội

Hà Nội hiện là địa phương có số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng lớn nhất cả nước.

Theo Giám đốc bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến, Hà Nội hiện có hơn 104.000 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; cũng là địa phương có số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng lớn nhất cả nước.

Ước tính đến hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố là 2.218.675 người, tăng 544.836 người (tương ứng tăng 32,6%) so với năm 2018, chiếm 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.

Hà Nội đi đầu về chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội
Hà Nội là địa phương có số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng lớn nhất cả nước

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 2.054.556 người, tăng 468.272 người (tương ứng tăng 29,5%) so với năm 2018, chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội là 656.085 người, chiếm khoảng 52,5% số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Trong 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, mặc dù tình hìnhkinh tế của Thủ đô và đất nước bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn, tác động đến việc làm, nợ bảo hiểm xã hội…

Song việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đưa chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, thành phố đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Triển khai các chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TƯ, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính; coi ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội nhằm chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang hành chính phục vụ;

Đồng thời, bảo đảm các chế độ, chính sách, thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đều được công khai, minh bạch; cắt giảm tối đa các thủ tục, giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Thành phố cũng đã triển khai ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động. Đến tháng 4-2023, có 3.724.860 người đăng ký tài khoản giao dịch điện tử và cài đặt ứng dụng VssID. Tính đến ngày 31-12-2022, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố là 75.015 người, tăng 52.331 người so với năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như tính tự giác chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội của một số đơn vị chưa cao, đặc biệt là các đơn vị sử dụng ít lao động (dưới 10 lao động), trong khi việc xử lý các hành vi gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng còn hạn chế…

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thành phố Hà Nội đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Trung ương liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội.

Với vị thế, vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội hiện trên 105 nghìn đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội với trên 1,9 triệu người. Hà Nội cũng là địa phương có số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng lớn nhất cả nước; đối tượng thụ hưởng chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đa dạng với nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh quân đội, công an... nghỉ hưu; số tiền chi trả trung bình 3.000 tỷ đồng/tháng của trên 590 nghìn người thụ hưởng.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để phát triển Thủ đô một cách bền vững, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 22, định hướng và hướng dẫn các hoạt động, biện pháp cụ thể triển khai cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ.

Đáng chú ý, năm 2022, nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm cuộc sống khi về già, thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Đặc biệt, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2018-2023 đạt 292.934 tỷ đồng; trong đó, năm 2022, số thu là 54.214 tỷ đồng (tăng 15.417 tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2018); ước năm 2023 thu 60.183 tỷ đồng.

Ngoài ra, số người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 45% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội chiếm khoảng 52,5% số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

 

 

Tác giả: Đỗ Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết