Bộ 3 lãi suất, lạm phát và tỷ giá đang tác động ra sao đến thị trường chứng khoán?
Theo chuyên gia, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố vĩ mô, cả vĩ mô quốc tế cũng như trong nước. Bởi độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng dẫn dắt và chi phối của các nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố rất quan trọng.
Theo chuyên gia, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố vĩ mô, cả vĩ mô quốc tế cũng như trong nước. Bởi độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng dẫn dắt và chi phối của các nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố rất quan trọng.
Tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều sự cải thiện hơn so với đầu năm. Thay vì những dự đoán về suy thoái kinh tế thì giới phân tích lại đang sử dụng cụm từ “hạ cánh mềm” nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo lãi suất tại Mỹ dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, đồng USD vẫn trong xu hướng tăng so với các đồng tiền khác, trong khi những lo ngại về lạm phát vẫn còn đó khi giá năng lượng hay thực phẩm có dấu hiệu tăng trở lại.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính đã có những chia sẻ về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như lãi suất, lạm phát, tỷ giá đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: N ền kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi tích cực, ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất, sự ổn định về tỷ giá và lạm phát ở Việt Nam?
TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính
Trong bối cảnh rất nhiều nước trên thế giới đã phải chịu đựng lạm phát cao và kéo dài trong suốt thời gian vừa qua, lạm phát của Việt Nam hiện nay được dự tính cho cả năm 2023 sẽ thấp hơn so với mục tiêu của chúng ta, có khả năng dưới 4% trong năm 2023. Vấn đề thứ hai là lãi suất, đã 4 lần liên tiếp chúng ta giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 và xác lập một mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Cũng trong cái bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát. Như vậy chính sách lãi suất của Việt Nam đã hỗ trợ cho kinh tế cũng như cho thị trường.
Bên cạnh đó biến số về tỷ giá hối đoái của Việt Nam cũng chỉ biến động hơn 2%, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới thậm chí đồng tiền nội tệ của họ mất giá lên tới hàng chục %, đây cũng là một ưu điểm của Việt Nam.
Các cân đối lớn của nền kinh tế Việt Nam cũng đang rất tích cực trong 9 tháng của năm 2023 và dự tính cho cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tới trên 20 tỷ USD. Đây là một mức kỷ lục và nhờ thặng dư cán cân thương mại này cộng với việc tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI, chúng ta có cán cân thanh toán tổng thể hiện nay đã ở mức dương hơn 3 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng có những biện pháp để khắc phục những suy giảm của thị trường tài chính, đặc biệt đối với một số các sản phẩm về trái phiếu doanh nghiệp.
L ãi suất nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ vẫn đang ở mức rất cao, điều này tác động ra sao tới Việt Nam?
Việt Nam chúng ta hiện nay đang được đánh giá là nước có độ mở kinh tế lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới xấp xỉ 200% GDP, chúng ta cũng có 18 Hiệp định thương mại tự do FTA, kỷ lục trên thế giới và dự kiến còn tiếp tục ký những hiệp định mới nữa. Như vậy, với mỗi một biến động trên thế giới, hay những quốc gia là những bạn hàng lớn nhất của chúng ta trong cả xuất khẩu cũng như trong nhập khẩu thì sẽ tác động đến Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách của từng quốc gia là không đồng đều và thậm chí là những dự báo cũng khá ngược chiều.
Mỹ từ cuối năm 2022 cho đến năm 2023 dự báo chi phối đó là kinh tế Mỹ sẽ suy thoái thì sang đến quý 4/2023 các dấu hiệu cho khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ được giảm đi rất nhiều. Một bạn hàng rất lớn của Việt Nam như Trung Quốc lại áp dụng vào chính sách tiền tệ nới lỏng, đặc biệt để đối phó với vấn đề về khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản cũng như hàng loạt những vấn đề liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc. Ngay cả Nhật Bản họ cũng đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hạ lãi suất, có thể nói ở mức rất là thấp. Như vậy, việc điều hành chính sách đó sẽ tác động đến Việt Nam chúng ta nhiều chiều khác nhau chứ không phải một cách đồng nhất.
Chính việc lãi suất cao đã khiến cho đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, theo ông, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường Việt Nam?
Chúng ta còn nhớ hai lần tăng lãi suất vào tháng 9 và tháng 10/2022, mỗi lần tăng 1% và một lý do tại thời điểm quý 3/2022 chúng ta đã có thâm hụt cán cân thanh toán và nó tạo ra một áp lực cực lớn lên điều chỉnh lãi suất và điều chỉnh tỷ giá hối đoái của chúng ta tại thời điểm đó. Tuy nhiên sang đến cuối quý 2/2023 vừa qua và kéo dài sang cả quý 3, cán cân thanh toán đã đảo chiều, hiện nay theo thông báo gần nhất đang dương khoảng 3,04 tỷ USD và như vậy áp lực lên điều chỉnh lãi suất hay điều chỉnh tỷ giá hối đoái do vấn đề về luân chuyển dòng vốn sẽ giảm đi rất nhiều và thậm chí theo chiều hướng tích cực thì tôi cho đây là những yếu tố mà các nhà đầu tư cũng cần đặc biệt quan tâm.
Một mối lo khác nữa của nhà đầu tư là mức lạm phát trên thế giới tuy đã giảm hoặc chững lại đà tăng, nhưng gần đây lại có dấu hiệu tăng trở lại như giá năng lượng, giá lương thực tăng? Ô ng đánh giá như thế nào về điều này?
Lạm phát của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, để quay trở về mức mục tiêu 2% của họ thì chắc chắn cần khá nhiều thời gian, đặc biệt trong bối cảnh giá năng lượng hay giá lương thực còn nhiều biến số mà chúng ta cần phải quan tâm. Một khu vực nữa là Châu Âu, hiện đang đối mặt với vấn nạn kép, cả về tăng trưởng kinh tế đang tăng trưởng rất chậm. Những đầu tàu kinh tế như Đức thậm chí gần như không tăng trưởng và 3 quý liên tiếp rơi vào tăng trưởng âm. Trong khi đó lạm phát của họ vẫn dự báo ở mức khoảng tầm 3 - 5% trong một vài năm tới. Như vậy, chúng ta đã thấy lạm phát có tính phân mảnh trên toàn cầu. Trong khi đó ở những nước như Trung Quốc lại không quan sát tới lạm phát, thậm chí còn có hiện tượng giảm phát.
C ác yếu tố này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán của Việt Nam, theo ông?
Nếu nói một cách ngắn gọn tôi cho rằng, với giả định rằng thế giới không có biến động gì quá lớn trong những tháng tới, đặc biệt là quý 4 chúng ta sẽ tiếp tục xu thế là quý sau cải thiện hơn quý trước và như vậy tình hình sẽ lạc quan hơn. Thị trường chứng khoán cuối năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến theo xu hướng tích cực cùng với xu hướng của kinh tế tăng trưởng, đặc biệt là sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang được hỗ trợ rất tích cực bởi sự quan tâm ngày càng gia tăng. Tôi được biết có sự quan tâm từ các nhà đầu tư ở Châu Âu cũng như Bắc Mỹ đối với thị trường Việt Nam, bên cạnh sự quan tâm vốn của các nhà đầu tư như Hàn Quốc hay Nhật Bản vốn đã có ở thị trường Việt Nam. Về dự báo thì gần như tất cả các dự báo của các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức và cá nhân có uy tín ở trong nước đều đánh giá rằng năm 2024, chúng ta sẽ tốt hơn so với năm 2023 và như vậy kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2024 cũng sẽ tốt hơn.
Vậy nhà đầu tư nên làm gì vào lúc này?
Tôi cho rằng đối với các nhà đầu tư thì điều họ cần hơn bao giờ hết chính là sự bình tĩnh. Đơn cử trong tháng 9 và những ngày của tháng 10, thị trường nhiều phiên giảm sâu và thanh khoản rất kém, mặc dù không có yếu tố gây đến mức tiêu cực như vậy. Điểm thứ hai, đối với các nhà đầu tư, bên cạnh các mối quan tâm về các nhóm cổ phiếu trước khi đưa ra các quyết định lựa chọn thì họ cũng cần quan tâm hơn nhiều tới các yếu tố vĩ mô, kể cả vĩ mô quốc tế cũng như trong nước. Bởi độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng dẫn dắt và chi phối của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Bảo Anh
Nhịp Sống Thị Trường
Link bài gốc Lấy link! https://markettimes.vn/bo-3-lai-suat-lam-phat-va-ty-gia-dang-tac-dong-ra-sao-den-thi-truong-chung-khoan-46395.html