• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất do quy mô lớn, doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng đặt hy vọng vào khách hàng mới Đài Loan, Ấn Độ

"Đặc biệt, thị trường khách lẻ đến từ Đài Loan có độ phục hồi là hơn 300% so với thời điểm 2019. Mặt khác, thị trường Ấn Độ chủ yếu đến từ các đám cưới tỷ phú. Trong 3 tháng vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội được đón tiếp 3 đám cưới liên tiếp, với tổng số khách lên đến 1.000 khách Ấn Độ”.

Thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng rơi vào cảnh trầm lắng từ giữa năm 2022 và kéo dài trong suốt năm 2023 khiến cả nguồn cung, thanh khoản đều sụt giảm nghiêm trọng.

Dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong năm vừa qua, cả nước đón nhận khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Lượng giao dịch cũng giảm mạnh, chủ yếu do một số dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng. Trong khi đó, hàng tồn kho chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ các nhà đầu tư mua trước đó.

Dù vậy, tình hình đã và đang khấm khá hơn. Nếu nửa đầu năm 2023, chủ đầu tư liên tục hoãn, dời thời gian triển khai bán hàng do phân khúc nghỉ dưỡng có là giá trị lớn, chủ yếu phục vụ mục đích đầu tư, rất khó thanh khoản trong bối cảnh thị trưởng khó khăn. Thì sang đến quý 3/2023, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được cải thiện từ các dự án condotel, chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam với mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2. Bước vào quý 4/2023, tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường bất động sản thúc đẩy chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, "bơm" nguồn cung vào thị trường.

Đơn cử, dự án condotel tại Phú Quốc có mức giá khoảng 55 triệu đồng/m2, ghi nhận 200 giao dịch trên tổng số 400 căn hộ mở bán trong vòng hơn 1 tháng với khách hàng đa số là nhà đầu tư. So với các năm trước, lượng giao dịch này là không nhiều nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản, việc đạt tỷ lệ hấp thụ trên 50% là rất khả quan, vượt kỳ vọng.

Dưới góc nhìn người trong cuộc, đại diện JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa cho rằng dù khó khăn song 2023, đặc biệt giai đoạn cuối năm, đang đánh dấu sự phục hồi của khu nghỉ dưỡng và thành công trong việc khôi phục lại các thị trường chính của thời điểm trước dịch với Top 3 là nội địa, Hàn Quốc, Trung Quốc.

“Mức độ khôi phục được đánh giá là gần 70% so với thời điểm 2019. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy nhiều thị trường tiềm năng mới, như Đài Loan, Ấn Độ và Úc. Đặc biệt, thị trường khách lẻ đến từ Đài Loan có độ phục hồi là hơn 300% so với thời điểm 2019. Mặt khác, thị trường Ấn Độ chủ yếu đến từ các đám cưới tỷ phú. Trong 3 tháng vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội được đón tiếp 3 đám cưới liên tiếp, với tổng số khách lên đến 1 .000 khách Ấn Độ ”, vị này nói.

JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa là thương hiệu khách sạn và resort thuộc thương hiệu Marriott International, được khai thác từ năm 2016 với 231 phòng và suite hạnh sang. Với dự báo ngành sẽ hồi phục và định hướng chú trọng vào các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan cũng như là tiếp tục khai thác các thị trường mới Ấn Độ và Úc, năm 2024 khu nghỉ dưỡng dự đầu tư cải tạo từ quầy bar Khoa Hóa Học, dịch vụ…

Dưới góc nhìn của mình, đại diện Dat Xanh Services chia sẻ rằng thị trường bất động sản nói chung đang gặp nhiều khó khăn, không riêng gì phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Nhìn lại một năm có quá nhiều biến động của thị trường và kinh tế, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng đang được cơ quan nhà nước ban hành các chính sách để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Đây là động thái gỡ vướng về pháp lý cho dự án nghỉ dưỡng trong tương lai, giúp thị trường ngày càng minh bạch, rõ ràng hơn.

Đồng quan điểm, song đại diện Savills Việt Nam – ông Mauro Gasparotti – trong báo cáo mới đây nhấn mạnh ngành bất động sản nghỉ dưỡng cần thích ứng nhanh chóng với thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch sau đại dịch. Để gia tăng mức độ cạnh tranh trên bản đồ quốc tế và giữ chân khách nội địa giàu tiềm năng, Việt Nam phải phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp khách khác nhau. “Thị trường bất động sản và nghỉ dưỡng đang bước vào giai đoạn quan trọng cho sự phục hồi. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục nỗ lực để đem tới những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng”, phía Savills nói.

Trở lại với báo cáo từ VARS, nguồn cung đã có dấu hiệu được cải thiện dần trong quý 4 song vẫn không đạt như kỳ vọng, do một số dự án quy mô lớn tạm ngừng mở bán vì vướng mắc pháp lý. Bên cạnh đó, xuất hiện một số chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận, điều này cũng khiến khách hành/nhà đầu tư “nhạt dần” với phân khúc này.

Dự báo về thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong năm 2024, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường này cơ hội được cải thiện nhờ tiến trình phục hồi chung của thị trường bất động sản cũng như các tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô, nhưng không nhiều, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Nguồn cung sẽ chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ du lịch ở các dự án quy mô lớn, dự kiến chiếm ít nhất 60% thị phần.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật