• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại phố đi bộ, ẩm thực

Thực hiện mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” của thành phố, một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã lên kế hoạch triển khai mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát văn minh thương mại.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

Tại Hà Nội, ở bất cứ đường phố nào cũng dễ dàng bắt gặp các quầy bán thức ăn. Từ các loại thức ăn nhanh phục vụ bữa sáng, bữa phụ như xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán..., đến các loại thức ăn vỉa hè đã góp phần làm nên tên tuổi của ẩm thực Hà thành như bánh mỳ kẹp, bánh chưng rán, cháo sườn, mỳ gà tần, bánh đúc nóng...

Với giá cả phải chăng, sự đa dạng và tiện lợi của thức ăn đường phố phù hợp cho những người có thu nhập thấp và quỹ thời gian eo hẹp. Tuy nhiên, đây cũng là loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi không ai biết quy trình chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng không?

Đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại phố đi bộ, ẩm thực
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Theo thông tin PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ với báo chí, những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm. Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính như đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì... Hơn nữa, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng... tồn dư trong các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm, 581 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong.

Để tăng cường quản lý thức ăn đường phố đồng thời quảng bá văn hóa ẩm thực Hà Nội, thành phố đã nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn cho người kinh doanh về “10 nguyên tắc vàng” trong chế biến thực phẩm; Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị; Cung cấp thông tin về các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn. Thông qua các hoạt động đó, kiến thức và nhận thức về an toàn thực phẩm của nhà quản lý, người kinh doanh, người tiêu dùng đã tăng lên; Điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện.

Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm không dễ dàng, bởi người kinh doanh có tư tưởng đối phó, khi có lực lượng kiểm tra thì thực hiện nghiêm nhưng khi lực lượng chức năng rời đi là tái diễn vi phạm... Vì vậy, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, đồng thời phổ biến quy định hiện hành trong các đợt kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Đẩy mạnh mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại phố ẩm thực

Thực hiện mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” của thành phố, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát văn minh thương mại tại tuyến phố Ấu Triệu - Lý Quốc Sư.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống, đối tượng áp dụng bao gồm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gồm nhà hàng, cửa hàng ăn uống; cửa hàng quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín.

Đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại phố đi bộ, ẩm thực
Ngã 3 phố Ấu Triệu, Lý Quốc Sư

Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gồm: Kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán trên đường phố; Cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, thực phẩm cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm cho tuyến phố; Cán bộ làm công tác quản lý ATTP quận và phường, người chế biến kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và người tiêu dùng thực phẩm.

Theo đó, 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP/ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định; Niêm yết công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP/ bản cam kết đảm bảo ATTP, địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại khu khách hàng ăn uống.

Bên cạnh đó, mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm có kiểm soát văn minh phải đảm bảo 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm; Phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố được kiểm tra, giám sát theo quy định; Trên 88% đạt 10 tiêu chí an toàn thực phẩm; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố đảm bảo mỹ quan đô thị, kịp thời thu dọn giấy, thức ăn thừa trên bàn, nền nhà. 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố có niêm yết công khai giá dịch vụ.

Đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại phố đi bộ, ẩm thực
Lãnh đạo Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm tập huấn công tác đảm bảo ATTP và các bệnh truyền qua thực phẩm cho các hộ kinh doanh

Cùng với đó, yêu cầu đặt ra là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn tại tuyến phố. Các cửa hàng bảo đảm một số tiêu chí như có diện tích phù hợp, vị trí không bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm; Thực hiện phân khu riêng biệt các khu chế biến, nơi ăn, cách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; Đủ nước sạch phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia...

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết, các cơ sở không đảm bảo ATTP sẽ được công khai danh sách để người dân biết và theo dõi.

Để thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, an toàn thì bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân nên mua thức ăn chế biến sẵn ở địa chỉ tin cậy, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý về các quán ăn không tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật