• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để điều trị COVID-19

Lo lắng trước những biến thể mới của dịch COVID-19, nhiều người dân đã truyền tai nhau nhiều bài thuốc Đông y chưa rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng hiệu quả để phòng và điều trị COVID-19. Điều này có thể gây nhiều hệ lụy như nhiễm độc thuốc, tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Gửi gắm niềm tin qua thầy “lang băm”

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đều gia tăng nhanh chóng. Để phòng và điều trị COVID-19, nhiều người đã tìm đến những phương thuốc Đông y “nhà tôi ba đời” được bán tràn lan qua mạng xã hội.

Người dân tìm đến thuốc đông y vì cho rằng đây là thuốc lành tính, ít gây tác dụng phụ so với tân dược. Thậm chí, nhiều người cho rằng, nếu không có tác dụng chữa bệnh thì thuốc Đông y cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể, “không bổ dọc thì bổ ngang”. Bởi thế, người dân không ngần ngại đi bốc thuốc để phòng và điều trị COVID-19.

Theo đó, nhiều người bị nhiễm COVID-19 đã tự tìm thông tin về đơn thuốc Đông y để chữa ho, giải cảm, mua thuốc xông thảo dược “nhiều không” (không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không đăng ký lưu hành, không niêm yết rõ thành phần điều chế...). Họ mua thuốc sau khi nghe những người từng là F0 truyền tai nhau hoặc mua từ nhà thuốc online trên mạng, với tâm lý "bán sao dùng vậy", tất cả phó mặc cho “thầy lang” trên mạng.

Không chỉ truyền tai nhau các phương thuốc “bí truyền” để chữa COVID-19, trên mạng Internet, việc bày bán các loại thuốc đông y điều trị COVID-19 cũng diễn ra tràn lan. Trên nhóm Facebook có tên “Chợ thuốc...”, hàng trăm tin bài, hình ảnh về các loại thuốc được chào bán công khai với đủ các mức giá, từ 300.000 đồng cho đến hàng triệu đồng/liệu trình.

Một tài khoản tên “Nhà thuốc Đông y...” giới thiệu, các vị thuốc đều là sản phẩm gia truyền, được nghiên cứu kỹ lưỡng với các thành phần thảo mộc thiên nhiên có tác dụng phòng và điều trị COVID-19... Cùng với việc bán thuốc, nhà thuốc cũng quảng cáo các loại lá tắm thảo mộc để phòng bệnh. Hầu hết các bài viết quảng cáo đều thu hút đông người dân quan tâm và đặt mua.

Cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để điều trị COVID-19

Nhiều người dân tự ý sử dụng các loại thuốc Đông y được rao bán trên mạng để điều trị COVID-19

Chị Võ Huyền Trâm (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Hồi cuối tháng 2 vừa qua, cả gia đình đều bị mắc COVID-19. Khi biết cả nhà đều là F0, tôi đã rất lo lắng và gọi điện khắp nơi để hỏi “kinh nghiệm” điều trị F0 tại nhà. Theo lời chỉ dẫn của một chị bạn thân, tôi được giới thiệu mua các sản phẩm thuốc đông y để điều trị COVID-19.

Sau khi nhận gói hàng trên tay, tôi khá ngạc nhiên vì sản phẩm không hề có nhãn mác, thành phần, công dụng hay cách sử dụng mà tất cả đều qua hướng dẫn truyền miệng của người bán. Lo ngại trước chất lượng của sản phẩm nên tôi quyết định không sử dụng sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình".

Theo các chuyên gia y tế, khi bị mắc COVID-19, người bệnh cần liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp phát thuốc điều trị. Tuy nhiên, không ít người có tâm lý hoang mang, mua thuốc về trữ trong nhà phòng trường hợp nhiễm bệnh. Chưa kể, việc cấp phát thuốc cũng không đồng đều dẫn đến việc thị trường thuốc “chợ đen” có cơ hội phát triển.

Một điều đáng lo ngại là ngoài một số thuốc đông y được quảng cáo trên mạng Internet, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không đăng ký lưu hành, không niêm yết rõ thành phần điều chế... không chỉ không chữa được bệnh mà còn khiến người dân “tiền mất tật mang”.

Không hoang mang và sử dụng các phương pháp điều trị tràn lan trên mạng

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 tăng cao khiến nhiều người dân hoang mang, sử dụng các phương pháp điều trị (đông y hoặc tây y) không có căn cứ để tự chữa tại nhà. Điều này gây nhiều hệ lụy như nhiễm độc thuốc, tác dụng phụ.

Cùng với việc tự ý sử dụng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng chất lượng để phòng và điều trị COVID-19, nhiều người bị nhiễm COVID-19 tự ý mách nhau đun nước lá có hương dầu xông toàn thân. Đây là cách làm sai, vì theo chia sẻ của các chuyên gia y tế, trong Đông y xông toàn thân chỉ được chỉ định cho người bị nhiễm phong hàn và hàn tà còn nằm ở phần biểu, chống chỉ định với ôn bệnh.

TS.BS Y học cổ truyền Nguyễn Đình Thuyên, nguyên chuyên viên cao cấp, hàm Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, phụ trách lĩnh vực y tế cho biết: Người bệnh nhiễm COVID-19 sau khi xông toàn thân sẽ toát mồ hôi, tạo cảm giác như nhẹ đi một vài triệu chứng bệnh ban đầu nhưng sau đó mức độ viêm nhiễm sẽ tăng lên nhanh, rất nguy hiểm (nhiệt tà sẽ xâm nhập vào sâu hơn).

Cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để điều trị COVID-19

Cơ quan chức năng bắt quả tang một cơ sở sản xuất thuốc Đông y giả làm từ bột ngô và bã mía

Đối với việc xông mũi họng bằng một số loại hương dầu sẽ mang lại hiệu quả tốt, làm khai khiếu đường mũi - họng để cho dễ thở. Các hương dầu này cũng có tác dụng ức chế virus SARS-CoV-2 sinh sôi, phát triển trên bề mặt niêm mạc đường hô hấp. Vì vậy, người bệnh không nên xông nhiều lần, ngày chỉ một lần và nồng độ các hương dầu không quá mạnh, nếu không sẽ làm cháy niêm mạc. Phương pháp này được áp dụng trong giai đoạn bệnh khi còn ở thể nhẹ.

Khi bệnh nặng khó thở, cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của các bác sĩ trong từng giai đoạn. Cụ thể, khi COVID-19 chưa viêm nhiễm vào phổi, TS.BS Nguyễn Đình Thuyên chỉ định cho dùng bài Đồng Cam. Khi bắt đầu có viêm vào phổi, chỉ định dùng kết hợp bài Đồng Cam và bài Phú Thọ. Nếu bệnh nhân có suy hô hấp thì vừa kết hợp hai bài trên và vừa cho thở oxy hỗ trợ.

Theo BS.TS. Nguyễn Đình Thuyên, giai đoạn hậu COVID-19 có rất nhiều vấn đề với các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, rối loạn giấc ngủ, đầu óc không tỉnh táo, hay quên… Hai bài thuốc Đông y là Đồng Cam và Phú Thọ cũng sẽ giúp cho người bệnh phục hồi, qua thực tế các bệnh nhân sau khi sử dụng đã cho kết quả tốt, các triệu chứng trên đã giảm hẳn hoặc không còn nữa.

Hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thuốc gia truyền "nhiều không" chất lượng kém. Trong bối cảnh cơ quan chức năng chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ vấn đề quảng cáo, rao bán hàng hóa tràn lan trên mạng xã hội, nếu người tiêu dùng không cẩn thận thì rất dễ mua phải thuốc đông y kém chất lượng, có thể gây hại cho sức khỏe.

Để đảm bảo an toàn khi muốn khám bệnh và sử dụng thuốc đông y, mọi người không nên tự ý mua thuốc. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã đăng tải danh sách cơ sở y tế, phòng khám y học cổ truyền được cấp giấy phép hoạt động lên website, người dân có thể kiểm tra thông tin từ đó. Khi đi khám, nên tìm những cơ sở khám chữa bệnh hợp pháp và người khám có chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt, không nên tìm mua thuốc đông y qua mạng xã hội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật