• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng được 6 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa an toàn

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hoàng Thị Hòa, trong hai năm 2021 - 2022, Trung tâm đã xây dựng được 6 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa an toàn, VietGAP, hữu cơ tại 6 xã, hợp tác xã thuộc huyện Thanh Oai với quy mô 850 ha, tổng số 2.482 lượt hộ nông dân tham gia sản xuất.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển nông nghiệp và huyện Thanh Oai tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm gạo Japonica
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển nông nghiệp và huyện Thanh Oai tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm gạo Japonica

Trong đó, có 220 ha sản xuất theo VietGAP tại các xã: Dân Hoà, Kim Bài, Tam Hưng, Thanh Thuỳ, Bình Minh; 630 ha sản xuất lúa an toàn tại các xã Tam Hưng, Dân Hoà, Kim Bài, Đỗ Động, Thanh Thuỳ, Thanh Cao, Bình Minh. Bên cạnh đó, Trung tâm đã cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa theo VietGAP cho 220 ha lúa tại các xã Dân Hoà, Kim Bài, Bình Minh, Thanh Thuỳ.

Qua phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm tại các điểm sản xuất những chỉ tiêu về hàm lượng kim loại nặng đều nằm trong ngưỡng cho phép, sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 100% diện tích sản xuất đều đảm bảo an toàn chất lượng.

Kết quả sản xuất cho thấy, năng suất lúa nếp cái hoa vàng đạt 4,5 tấn/ha; năng suất lúa chất lượng bình quân đạt 5,8 - 6,3 tấn/ha/vụ. Giá trị sản phẩm lúa đạt 55,67 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế đạt 24 tỷ đồng/855 ha.

Đặc biệt, để sản phẩm lúa, gạo của các Hợp tác xã khi lưu thông trên thị trường không bị làm giả bởi sản phẩm cùng loại và để giúp sản phẩm khẳng định được vị thế chất lượng, Trung tâm đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), các đơn vị tư vấn và phòng Kinh tế huyện Thanh Oai xác lập được 3 quyền nhãn hiệu tập thể là "Gạo thơm Bối Khê" xã Tam Hưng, "Gạo Bồ nâu" xã Thanh Văn, "Gạo chất lượng cao Bình Minh".

Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa an toàn, VietGAP, hữu cơ; tập huấn kiến thức quản lý chuỗi và phát triển thị trường; hỗ trợ máy móc thiết bị. Điển hình như hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Minh 1 máy sấy vỉ ngang công suất 12 - 15 tấn thóc/mẻ; hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng 1 cân đóng bao thóc gạo 10 - 50 kg, 1 máy đóng bao bán tự động…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai” cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Minh
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai” cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Minh

Qua các hoạt động hỗ trợ nêu trên, thời gian qua Trung tâm đã xây dựng thành công một chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao mang nhãn hiệu tập thể "Gạo thơm Bối khê" cho Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng. Đến nay sản phẩm "Gạo thơm Bối khê" của đơn vị với chủ lực là các loại gạo Bắc thơm số 7, Nếp cái hoa vàng đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm tiêu thụ ngày một tăng. Trung bình mỗi năm hợp tác xã tiêu thụ được 250 - 300 tấn gạo.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, việc công bố nhãn hiệu tập thể "Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai" mới đây chính là thành công bước đầu. Với kết quả này, Hợp tác xã cần tiếp tục tập trung tổ chức sản xuất, duy trì, quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể gạo đã được chứng nhận.

Hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Oai có diện tích sản xuất lúa hơn 6.000ha, trong đó vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 3.000ha. Thời gian qua, huyện đã ban hành các cơ chế hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, ưu tiên nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với những kết quả đã đạt được, huyện Thanh Oai mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của Sở NN&PTNT cũng như các đơn vị thuộc Sở để huyện Thanh Oai sẽ có thêm nhãn hiệu tập thể, chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, chia sẻ: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo hướng VietGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân và từng bước tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn thành phố đạt hơn 80%. Qua đó, duy trì và phát triển 80 - 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, hình thành thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội để mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica chất lượng cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết