• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vạch trần kịch bản lừa đảo của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính

Người dân sẽ bị các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính “dụ dỗ con mồi” với nhiều thủ đoạn khác nhau; để rồi hậu quả nhận lại là "tiền mất tật mang".

Sáng ngày 9/7/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì tổ chức Hội nghị tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện Hoằng Hoá.

Tham dự hội nghị có Báo cáo viên của các đơn vị: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Sở Công Thương; lãnh đạo UBND huyện, Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 3, Chi cục thuế huyện Hoằng Hóa; đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; đại diện Ban Quản lý, tiểu thương tại các chợ và đông đảo các tầng lớp Nhân dân tại địa phương.

Vạch trần kịch bản lừa đảo của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính

Toàn cảnh hội nghị tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. (Ảnh: QH)

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đình Ảnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có vai trò, ý nghĩa đặc biệt lớn trong phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Sau 15 năm triển khai, cuộc vận động đã từng bước cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng đã càng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng Việt Nam.

Vạch trần kịch bản lừa đảo của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính

Ông Phùng Đình Ảnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: QH)

Đối với hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho rằng trên địa bàn vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, đây cũng là mô hình kinh doanh dễ bị lợi dụng, biến tướng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết để dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thông qua hội nghị lần này cũng như qua các chuỗi hoạt động tuyên truyền tại địa phương, Sở Công Thương mong muốn tạo được sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội và chung sức của tầng lớp nhân dân về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Vạch trần kịch bản lừa đảo của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính

Ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: QH)

Theo tài liệu của phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, các hình thức dễ bị nhầm lẫn với hình thức kinh doanh đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP như: Kinh doanh bảo hiểm; tiếp thị liên kết - Affiliate marketing; bán hàng theo hình thức hội chợ, hội thảo tại các vùng nông thôn; hoạt động “thổi giá”, “làm giá ảo” với các sản phẩm.

Xu hướng của các hoạt động biến tướng này cũng đã vạch trần, cụ thể: Về sản phẩm đầu tư, trước đây chỉ là hàng hóa hay các sản phẩm hữu hình khác thì nay sản phẩm đầu tư đó là đầu tư: Sản phẩm công nghệ; giao dịch ngoại hối; phát triển ứng dụng điện tử; phát triển tiền ảo, tài sản ảo…

Về phương thức kêu gọi, ngoài phương thức tụ tập đông người qua các chương trình hội nghị hội thảo hay sự kiện lớn, thì hiện nay các đối tượng này còn được hỗ trợ bởi các công cụ Internet như: Kênh, mạng xã hội; ứng dụng di động… Về kênh thanh toán, ngoài việc giao dịch tiền mặt, giấy viết tay hiện nay các đối tượng này còn có nhiều kênh thanh toán khác như: Chuyển khoản qua ngân hàng, chuyển tiền qua các phương tiện được gọi là “ví tiền ảo” hay “ví tiền điện tử”…

Các đối tượng sẽ “dụ dỗ con mồi” thông qua những lời quảng cáo có cánh, thông qua những người dẫn dắt, “chim mồi” hay những người tham gia; để rồi hậu quả nhận lại là gia đình tan nát, tiền mất tật mang.

Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để phối hợp xử lý các hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Cũng như đưa ra những khuyến cáo đối với người dân cần phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “xuống tiền” đầu tư vào bất kỳ một hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp nào.

Vạch trần kịch bản lừa đảo của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính

Báo cáo viên của đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa trình bày tại hội nghị. (Ảnh: QH)

Trong phần trình bày của mình tại hội nghị, báo cáo viên Đỗ Thị Huyền - Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số biểu hiện của bán hàng đa cấp bất chính như lừa đảo chiếm dụng vốn, bán hàng đa cấp biến tướng, biến tướng từ các nhà phân phối.

Theo báo cáo viên Đỗ Thị Huyền, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện những hành vi như: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;

Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp…

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp, chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tiếp tay cho hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính. Các cơ quan quản lý ở địa phương phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trên từng địa bàn, hạn chế tối đa môi trường hoạt động của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính, trái phép.

Đồng thời, cần đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân. Khi hiểu biết của người dân được nâng cao thì các hoạt động lừa đảo sẽ không còn có cơ hội tồn tại, phát triển.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan