TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển nguồn lực đội ngũ tri thức
Vừa qua, Đoàn công tác do Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh về khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quang cảnh buổi làm việc |
Còn nhiều hạn chế
Ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trước khi có Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh. Sau khi Nghị quyết 54 được ban hành, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành các nghị quyết, quyết định về việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong 12 lĩnh vực.
Chính sách thu hút mà thành phố xây dựng cơ bản dựa trên 4 nội dung: Hỗ trợ ban đầu; Thu nhập hàng tháng với chuyên gia và người có tài năng đặc biệt; Nhà khoa học có công trình nghiên cứu hiệu quả hưởng mức không quá 1% tổng mức chi cho công trình nghiên cứu và có chính sách nhà ở.
“Qua đó, thành phố thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Khu công nghệ cao. Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã tuyển chọn 4 chuyên gia, nhà khoa học. Dù vậy, số lượng vẫn còn ít, chưa đạt như mong đợi”, ông Lâm Hùng Tấn nói.
Theo ông Lâm Hùng Tấn, chuyên gia, nhà khoa học đã góp phần kết nối các trung tâm nghiên cứu khoa học với các đơn vị mình đang công tác, tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố trong nhiều lĩnh vực. Đóng góp của đội ngũ này vào sự phát triển chung của hệ thống chính quyền thành phố là không hề nhỏ.
Đề xuất với Đoàn khảo sát, ông Lâm Hùng Tấn cho rằng, cần có chính sách thu hút nhanh, gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia cùng tham gia. Đặc biệt cần sớm ban hành nghị quyết mới đảm bảo thu nhập cho cán bộ và đội ngũ tri thức đang công tác tại các đơn vị Nhà nước.
Ông Lâm Hùng Tấn cũng cho rằng hiện có nhiều khó khăn trong đãi ngộ việc làm. Cụ thể, trước đây việc đào tạo, bồi dưỡng được chi từ nguồn ngân sách nhưng sau khi có Thông tư 36/2018 của Bộ Tài chính thì việc chi đào tạo cho viên chức phải sử dụng kinh phí của đơn vị, cá nhân, do đó gây khó cho đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ tri thức.
Cùng đó, các Bộ, ngành cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện vị trí việc làm của cán bộ. Điều này là tác động đến tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả đội ngũ trí thức.
Ngoài ra, thu nhập hiện nay chưa đủ để đảm bảo giữ chân đội ngũ, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao. So với lĩnh vực tư nhân, sự chênh lệch này khá lớn và mức chênh lệch so với các doanh nghiệp nước ngoài càng lớn hơn.
Tập trung xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức
Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho hay, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, cả nước đạt nhiều thành tựu to lớn, trong đó khẳng định được vai trò đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức. Điều này càng đậm nét tại TP Hồ Chí Minh, cho thấy sự triển khai quyết liệt và cụ thể của thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó luôn xác định sự phát triển phải dựa trên nền tảng tri thức, trong đó lực lượng trí thức có vai trò rất quan trọng.
Dẫn chứng gần nhất, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nếu không có sự hiến kế, đóng góp ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức thì thiệt hại có thể hơn nữa.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu |
Nhấn mạnh đội ngũ trí thức là tiềm năng lớn đóng góp sự phát triển chung, ông Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận: “Thời gian qua vẫn chưa kết nối phát huy hết tiềm năng này, tức đã chưa huy động đầy đủ kịp thời họ và thành phố thấy đây là hạn chế”.
Để khắc phục, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định thành phố sẽ tập trung xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức trên cơ sở nhiều dự án, kế hoạch, phương hướng phát triển như những bài toán lớn và huy động họ tham gia hiến kế.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh thành phố sẽ có cơ chế chăm lo và không dừng ở đội ngũ trí thức đang sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh mà còn trong và ngoài nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, trong 15 năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn thành phố tăng nhanh và có những đóng góp tích cực. Cụ thể, thành phố có 21.210 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, trong đó có 188 Giáo sư, 1.116 Phó Giáo sư.
“Hiện hệ thống các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố có đội ngũ trí thức tương đối đông đảo, trình độ chuyên môn ngày càng cao”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố luôn quan tâm và ban hành nhiều văn bản nhằm xây dựng vào phát huy đội ngũ trí thức, bao gồm thu hút và phát huy đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong giai đoạn 2014 - 2018, thành phố đã thu hút các chuyên gia về công tác tại 4 cơ quan đơn vị thí điểm và thống kê đến hết 2018, số lượng chuyên gia đã thu hút được là 17 trường hợp, trong đó có 3 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia nước ngoài và 8 trường hợp là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.