• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang

Ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Dự buổi làm viêc với Thủ tướng Phạm Minh Chính có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang

Về phía tỉnh Hậu Giang, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Nghiêm Xuân Thành cùng toàn thể lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành.

Báo cáo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã tập trung triển khai, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 4 trụ cột. Trong đó, công nghiệp là tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, dự án công nghiệp có tính lan tỏa, đóng góp lớn vào ngân sách, sử dụng nhiều lao động tại chỗ, thu nhập tốt cho người lao động. Nông nghiệp chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, tự phát sang phát triển có định hướng, tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng sản phẩm. Xây dựng thành công 5 nông sản chủ lực, có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, định vị thương hiệu tiêu thụ ở ba thị trường tại chỗ, vùng miền, xuất khẩu. Phát triển đô thị theo mục tiêu kép, mở rộng khu vực đô thị, tạo cảnh quan đô thị đẹp, văn minh, vừa gia tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn, đầu tư phát triển du lịch và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, dịch vụ, thương mại, xuất khẩu có khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước thực hiện được 25.742 tỷ đồng, tăng 15,14% so với cùng kỳ, đạt 60% kế hoạch. Ước thực hiện kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ ngoại tệ 314,12 triệu đô la tăng 7,81% so với cùng kỳ, đạt 40,9% kế hoạch, trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 218,76 triệu đô, tăng 12,59% so với cùng kỳ, đạt 75,43% kế hoạch.

Trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có thêm 412 doanh nghiệp thành lập mới. Số doanh nghiệp có hoạt động và kê khai thuế 3.050 doanh nghiệp, tăng 335 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Các chỉ số về môi trường cạnh tranh của tỉnh tiếp tục có được cải thiện, chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh đứng vị trí 38/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Hậu Giang thu hút được 12 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư là 3.721 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ, tạo việc làm cho 4.250 lao động, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 325 dự án đầu tư, với tổng mức đầu ưt 169.739 tỷ đồng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 24 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 617,4 triệu đô la. Đặc biệt, việc kêu gọi, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển lĩnh vực khác; phát triển chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương.

Đối với công tác lập quy hoạch, Hậu Giang xác định quy hoạch có vai trò là "kim chỉ nam", quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh. Chính vì vậy, năm 2021, Tỉnh ủy đã thảo luận và thống nhất cao thông qua định hướng chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ định hướng chiến lược này và việc tiếp cận những định hướng lớn của Trung ương, tỉnh Hậu Giang đã có tư duy và cách nhìn mới, đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu đột phá, nhằm tránh "vòng xoáy đi xuống", cụ thể: Đến năm 2030 Hậu Giang trở thành một tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế. Đồng thời tỉnh cũng đã định hướng phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 là "phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng" trên quan điểm: Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm", trong đó: Nhất tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn và tứ trụ là phát triển 4 trụ cột theo hướng Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch...

Với định hướng phát triển này sẽ tạo được những đột phá thực sự đối với lĩnh vực công nghiệp trong thời gian trung và dài hạn, để có thể bứt phá về tăng trưởng kinh tế, thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, đồng thời, phát triển công nghiệp phải hài hòa với mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, bao trùm lâu dài, để mọi khu vực đều phát triển và mọi người được hưởng lợi.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Hậu Giang cũng đề ra một trong các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đó là: Tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển 4 trụ cột của tỉnh: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành về thực hiện của đơn vị trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực, triển khai các giải pháp đồng bộ để tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp.

Tại hội nghị này, tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị Thủ tướng phân bổ tăng thêm diện tích đất công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 744 ha, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp chiếm 82,5%, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia phân bổ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025 (loại đất khu công nghiệp) khoảng 784 ha, giai đoạn 2026-2030, chỉ tiêu đất khu công nghiệp phân bổ cho Hậu Giang còn quá thấp so với nhu cầu thực tế phát triển hiện nay. Hậu Giang hiện có rất nhiều các nhà đầu tư lớn đã đến khảo sát và có văn bản đề nghị được đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, với nhu cầu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025 khoảng 1.500ha. Vì vậy, Hậu Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân bổ diện tích khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 là 1.500ha, giai đoạn 2026-2030 là 3000 ha.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành đóng góp những ý kiến sâu sát, thẳng thắn để Hậu Giang tham khảo, tổ chức thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, với những kiến nghị này Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đề xuất ra giải pháp trong đó chú trọng bám sát tình hình thực tế để Hậu Giang triển khai cho thật tốt.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cũng cho rằng: Hậu Giang đã có những định hướng thể hiện được khát vọng vươn lên và nhìn nhận được địa phương đang có thế mạnh gì để phát triển. Trong đó, Hậu Giang cần tập trung lộ trình từng bước phát triển công nghiệp, tránh việc phát triển nhưng hạ tầng không đồng bộ vô hình chung tạo áp lực cho địa phương. Hậu giang cũng cần xây dựng hệ sinh thái để thu hút nguồn lao động quay trở về, có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, coi đây là khâu đột phá.

Đối với vấn đề quy hoạch, Hậu Giang nên quy hoạch các trục đường xương cá bám theo các tuyến cao tốc, bố trí các dự án do Nhà nước thu hồi để có quỹ đất cho phát triển vào quy hoạch tỉnh. Hiện tổng quỹ đất cho phát triển công nghiệp của Hậu Giang khoảng 2.200 ha, chỉ tiêu đất phân bổ Thủ tướng Chính phủ cho Hậu Giang chỉ sau Cần Thơ nhưng để bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả thì cần phải có lộ trình. Đặc biệt, Hậu Giang phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu bởi đây là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng.

Đối với lĩnh vực văn hóa, Hậu Giang cần bổ sung văn hóa vào trong 4 trụ cột phát triển của tỉnh không nên để riêng du lịch bởi Hậu Giang có rất nhiều tiềm năng với sắc thái văn hóa phong phú. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phát triển tốt ngành nghề nông thôn, xây dựng hình thành du lịch nông nghiệp gắn sản phẩm đặc trưng.

Hậu Giang có định hướng phát triển công nghiệp và thương mại trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có những gợi mở cụ thể. Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật.

 

Tác giả: Nguyễn Cường - Cấn Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan