Không “hy sinh” công trình phúc lợi để phát triển nhà ở
Trong kế hoạch số 190/KH-UBND vừa ban hành, TP. Hà Nội yêu cầu không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh.
Như Diễn đàn doanh nghiệp đã thông tin, sau khi thanh tra các dự án trên địa bàn Hà Nội, Bộ Xây dựng công bố hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội)...
Theo quy định, tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh cho các lô đất xây dựng nhà ở chung cư là 20%. Tuy nhiên, có 2/17 dự án bố trí chung diện tích cây xanh, bãi đỗ xe khoảng 1.000 m2, đạt tỷ lệ 10%, nhưng thực tế đã thi công sai quy hoạch. Đồng thời, có tới 12/17 dự án được thanh tra không bố trí đất cây xanh, 2/17 dự án thiếu diện tích cây xanh.
Đáng chú ý, tại Điều 3 Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Trong khi đó, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định. Sau khi di dời, các cơ quan không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.
Tương tự, quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu (phê duyệt năm 2016) cũng “lệch chuẩn”. Có thể kể đến việc không bố trí trạm y tế, trường THCS, sân luyện tập, chợ, đất công trình giáo dục chỉ đạt dưới 2,7m2/người, diện tích trường mầm non thiếu 20.190m2; trường tiểu học thiếu 15.904m2; trường THPT thiếu 5.535m2.
Bố trí cây xanh đạt dưới 20%, trong đó, có tới 5 dự án “lệch chuẩn” xấp xỉ 13% (lượng cây xanh chỉ 2,36 - 7,4%); 1 dự án thiếu quy định diện tích cây xanh, 12 dự án không bố trí diện tích cây xanh.
Trước hiện trạng trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng: Hiện nay Việt Nam có 869 đô thị các loại, phân bố đồng đều trên cả nước; tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, từ 30,5% năm 2010, lên 40,5% năm 2021. Nhưng trong quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt trong công tác quy hoạch, xây dựng.
“Vì vậy, việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được công trình văn hóa, lịch sử, kiến trúc có giá trị nhưng phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển công trình phúc lợi như công viên, quảng trường. Đặc biệt không "hy sinh" công trình phúc lợi để phát triển khu thương mại, nhà ở” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Ths. Nguyễn Ngọc Hùng, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng nên chú trọng đến việc xây dựng các không gian xanh như công viên, vườn, hồ,... trong các khu dân cư. Bởi không gian xanh đóng góp một cách tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị.
Bên cạnh đó, theo các kết quả nghiên cứu khoa học, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17-57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời.
Đặc biệt đối với các dự án chung cư, hệ thống cây xanh giúp giảm tới 20-25% chi phí sử dụng năng lượng hằng năm cho một gia đình sống ở căn hộ chung cư qua việc điều hòa không khí; chắn gió, giảm tiếng ồn và tăng chất lượng không khí; giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa đô thị, các thảm cây xanh làm tăng chất lượng nước các thủy vực do hấp thụ chất ô nhiễm từ nước chảy tràn bề mặt, làm giảm lượng nước tập trung vào nguồn nước mặt và tăng trữ lượng nước ngầm.
“Ngoài ra, cây xanh có vai trò quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan chung cư đô thị. Những tính chất của cây xanh như: hình dạng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, trạng mùa của lá…) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc chung cư cũng như cảnh quan chung của khu đô thị” - ông Hùng chia sẻ thêm.