• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao TP. Hồ Chí Minh đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm?

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm hoàn thiện Đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm, tiếp thu ý kiến góp ý đa chiều.

Tại hội nghị Tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh ngày 15/7, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý - cho biết: Từ khi thành lập tới nay, Ban Quản lý đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn.

Vì sao TP. Hồ Chí Minh đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm?
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề xuất sự cần thiết thành lập Sở An toàn thực phẩm

Theo đó, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm cũng như phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm được phổ cập rộng rãi hơn tới người dân.

Báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho thấy, trong 6 năm (từ 2017 đến tháng 6/2022), các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý đã tiến hành thanh kiểm tra 28.694 cơ sở, phát hiện vi phạm 2.258 cơ sở (tỷ lệ 7,87%), xử phạt vi phạm hành chính 2.234 cơ sở với số tiền phạt 31.311.359.311 đồng. Trung bình mức xử phạt 14.015.828 đồng/cơ sở. Trong đó, chỉ 5 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý kiểm tra 4.379 cơ sở, phát hiện 22 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 0,5%), tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với tổng số tiền là 420.811.000 đồng, đang tiếp tục xử lý 3 cơ sở còn lại.

Ban Quản lý A toàn thực phẩm được thành lập theo Quyết định 2349/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Về bộ máy tổ chức, Ban Quản lý A toàn thực phẩm được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nhân sự từ 3 Sở gồm: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, Ban Quản lý tăng cường quản lý đối với loại hình thực phẩm chức năng như: Thành lập tổ chuyên môn tập trung rà soát, phân tích các quảng cáo về thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên báo đài, các Trang thương mại điện tử (đã rà soát 23.196 sản phẩm; phát hiện 520 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm) và đã chuyển bộ phận thanh tra xử lý, giám sát….

“Mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm ra đời giải quyết căn bản vấn đề cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, việc kết hợp lực lượng quản lý từ 3 Sở (gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp) không làm tăng biên chế nhưng đã làm tăng hiệu quả trong phân công, xử lý công việc khi chỉ còn một đầu mối”- bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm.

Tuy vậy, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trong thời gian thí điểm, Ban Quản lý được giao nhiệm vụ của một cơ quan tương đương cấp sở, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành có liên quan cho mô hình thí điểm là Ban Quản lý An toàn thực phẩm, nên còn nhiều lúng túng trong thực tế. Đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Vì sao TP. Hồ Chí Minh đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm?
Đông đảo các Sở, ngành và doanh nghiệp tham dự hội nghị

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ. Cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành, theo đó nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc (quy định thống nhất cách thực hiện việc giám sát, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng).

Thêm vào đó, một bộ phận người tiêu dùng rất chủ quan với sức khỏe, còn dễ dãi trong sử dụng thực phẩm. Có nhiều trường hợp biết sản phẩm không đảm bảo an toàn có thể nguy hại cho sức khỏe mà vẫn sử dụng. Bên cạnh đó, do thu nhập thấp nên một số người tiêu dùng thường chấp nhận chọn sử dụng thực phẩm giá rẻ, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, ngộ độc cao.

Với những thuận lợi, đan xen khó khăn, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, để nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng rất cần sự chính thức hóa mô hình thí điểm. Cụ thể là trên cơ sở Ban Quản lý An toàn thực phẩm, thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả của Ban Quản lý trong suốt thời gian thí điểm. Theo ông Dương Anh Đức, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, đặc biệt với một đô thị TP. Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ và cũng là trung tâm luân chuyển lớn thực phẩm hàng ngày, thì việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu.

Ông Dương Anh Đức, sau 6 năm thí điểm có thể nhận thấy, việc quản lý nhà nước từ mô hình của Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tập trung hơn, không phát sinh thêm biên chế… còn công tác quản lý đã trở lên hiệu quả hơn thể hiện qua số vi phạm an toàn thực phẩm giảm cả về số lượng và chất lượng. Đây là minh chứng mô hình thí điểm này, cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. “Đã trải qua 2 chu kỳ thí điểm được sự chấp thuận của Chính phủ về chính thức hóa mô hình Ban Quản lý An toàn thực TP. Hồ Chí Minh ngày một hiệu quả hơn, chính thức hơn đó là mong muốn của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh”- ông Dương Anh Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý tiếp tục xây dựng hoàn thiện Đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm, lắng nghe tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của Ban ngành Trung ương, chuyên gia, người dân để xây dựng kế hoạch nâng cấp Ban Quản lý. Qua đó thuyết phục các cơ quan hữu quan về sự cần thiết, hợp lý công tác của Sở chuyên ngành quản lý về an toàn thực phẩm.

Đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh: Công tác phối hợp của Ban Quản lý An toàn thực phẩm với sở, ngành rất tốt

Trong 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt (giảm 30%) và số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người giảm trên 92%, số người ngộ độc thực phẩm giảm trên 85%. Điều này cho thấy hiệu quả của sự phối hợp các ban ngành trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, trong đó có vai trò rất lớn của Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Cụ thể, số vụ ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2014-2016 là 18 vụ, đến giai đoạn 2017- 6/2022 giảm còn 12 vụ; Số người ngộ độc thực phẩm cũng giảm từ 1.235 người trong gian đoạn 2014-2016 xuống còn 185 người trong giai đoạn 2017- 6/2022.

Để thống nhất đầu mối quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trên cơ sở hiệu quả của việc thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm trong 6 năm vừa qua, Sở Y tế kiến nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố và trình các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan