• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tái khởi động dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa gần 2.300 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với chiều dài khoảng 73km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng công trình đường Hồ Chí Minh.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có tổng chiều dài khoảng 84km qua địa phận 4 tỉnh, gồm: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Tây Ninh. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh khoảng 21km) với mục tiêu kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực. 

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 12/2007 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với quy mô 2 làn xe và triển khai thi công từ năm 2009. Tuy nhiên đến năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, khó khăn về nguồn vốn, dự án đã tạm đình hoãn theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ dẫn đến chỉ hoàn thành khoảng 10km đoạn qua tỉnh Bình Phước.

Để từng bước hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc nghiên cứu chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai do vướng mắc về thủ tục dẫn đến dự án không khả thi về phương án tài chính và Bộ GTVT đã quyết định dừng triển khai dự án theo hình thức hợp đồng  BOT.

Thực hiện Nnghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án, Bộ GTVT khẳng định việc nghiên cứu đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa là cần thiết. 

Bộ GTVT cũng cho biết đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa vào tháng 7/2022 với chiều dài khoảng 73km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (dự kiến trong quý I/2023).

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh để bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, sớm đưa vào khai thác, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Hồi tháng 6 vừa qua, tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định đường Hồ Chí Minh là con đường đặc biệt, con đường huyền thoại nên Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Nói về nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn từ năm 2000 – 2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt. Tiếp đó, giai đoạn 2011-2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án.

Theo ông Thể, giai đoạn 2011-2015, hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát và trong 5 năm này hầu như không thực hiện được. Giai đoạn 2016 đến 2020, chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một trong những nguyên nhân chậm tiến độ nữa là đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn... Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng…

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ tham mưu Quốc hội để rà soát, bố trí nguồn vốn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật