• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi)

Với 466 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm 93,57%, Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã chính thức được thông qua.

Sáng 15/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Chính thức thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 3 về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng, do thực hiện các nhiệm vụ khác trong kỳ họp theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ.

Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, bổ sung vào App của Quốc hội chức năng báo cáo trực tuyến việc vắng mặt của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, phiên họp Quốc hội để thuận tiện cho đại biểu trong việc báo cáo.

Đối với tài liệu phục vụ Kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, đề xuất biện pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn đến đại biểu Quốc hội, khắc phục hạn chế, tồn tại.

Tại Điều 18 về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có quyền yêu cầu dừng tranh luận trong trường hợp đại biểu tranh luận không đúng trọng tâm, không rõ đối tượng tranh luận, sử dụng quyền tranh luận để phát biểu; được dừng, tạm dừng, hoãn, tạm hoãn phiên họp, kỳ họp trong tình huống có sự cố bất khả kháng, việc tiếp tục họp do Quốc hội quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận ý kiến của đại biểu và nhận thấy các nội dung này đã được quy định trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội, cụ thể là điểm d khoản 2 Điều 18 quy định: Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu hoặc dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung.

Đối với việc dừng, tạm dừng, tạm hoãn kỳ họp, phiên họp là thẩm quyền của Quốc hội khi quyết định chương trình hoặc điều chỉnh chương trình kỳ họp.

Có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 07 phút của đại biểu là ngắn; không nên giới hạn thời gian phát biểu của đại biểu; khi kéo dài phiên họp, nếu còn thời gian thì đại biểu có quyền phát biểu lần hai. Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu.

Có ý kiến đề nghị quy định thời gian tranh luận là không quá 02 phút; tăng thời gian giải trình của cơ quan trình đối với lĩnh vực, nội dung quan trọng, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau; đề nghị giao Chủ tọa phiên họp xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian giải trình của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội là kế thừa quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và nội quy hóa những giải pháp đổi mới có hiệu quả trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung và trình bày được đầy đủ ý kiến.

Do đó, xin Quốc hội cho giữ các nội dung này như dự thảo. Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng không quy định giới hạn phát biểu lần hai trong thời gian kéo dài phiên họp nên đại biểu có thể thực hiện quyền của mình nếu còn thời gian.

Về thời gian giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định thời gian giải trình là 10 phút của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra là phù hợp để các chủ thể này phải trình bày thật cô đọng, súc tích, đồng thời bảo đảm dành nhiều thời gian hơn cho đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận.

Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp đã bổ sung quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu như đại biểu đã nêu.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 466 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 93,57%. Như vậy Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 03 Điều, Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội gồm 03 Chương, 58 Điều.

 

 

Tác giả: Quỳnh Nga - Lan Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật