Lò mổ tuồn thịt nghi nhiễm bệnh ra thị trường
Lợn bệnh, tím tái, không qua kiểm dịch vẫn bị xẻ thịt tại các lò mổ “chui” ven đô Hà Nội. Thịt sau đó được hợp thức hóa bằng biên lai có dấu đỏ, đưa vào chợ và đến tay người tiêu dùng như hàng sạch. Một lỗ hổng nghiêm trọng trong kiểm soát thực phẩm đang đẩy bữa ăn gia đình vào vòng nguy hiểm.
Lợn nghi nhiễm bệnh nằm thoi thóp, trên thân xuất hiện nhiều nốt đỏ to bằng đầu đũa, chờ bị xẻ thịt trong lò mổ nhà ông Em. Ảnh: Nhóm PV
Bên trong khu mổ lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh
Đầu tháng 7, trong vai thương lái cần nguồn thịt giá rẻ, phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập khu chợ đầu mối Hải Bối (gần cầu Thăng Long, Hà Nội), một trong những điểm trung chuyển thịt lớn nhất Thủ đô. Khu vực này nổi tiếng với hai lò mổ “ngầm” hoạt động về đêm là lò ông Em và lò bà Thu.
Không biển hiệu, không bóng dáng lực lượng kiểm dịch, lò mổ của ông Em (ở số nhà 19, cuối con ngõ nhỏ giáp cầu Ve, trên đường Anh Dũng) là nơi chứa hàng chục con lợn đang chờ giết mổ.
Tại đây, phóng viên chứng kiến cảnh hàng loạt con lợn nái nằm bẹp trên nền đất bẩn, không thể tự đứng.
“Nó bị đau chân thôi”, ông Em (chủ lò mổ) trấn an, rồi thản nhiên dẫn phóng viên vào trong khu giết mổ.
Khung cảnh bên trong lò mổ khiến người ta lạnh gáy: Tường nhà vấy máu khô, nền đất nhớp nháp, chuồng trại ẩm thấp với lợn nằm la liệt, một số con bất động, số khác thở hổn hển trong trạng thái kiệt sức. Trên mình chúng là những vết đỏ to bằng đầu đũa.
“Muỗi đốt đấy mà”, ông Em trả lời khi được hỏi về tình trạng lợn. Nhưng sau đó, ông Em đã thẳng thắn thừa nhận: “Hiện tại ở lò mổ này, chỉ có một xe là lợn khỏe, còn lại đều là lợn bệnh”.
Mặc dù không hề qua kiểm dịch, thịt từ lò ông Em vẫn được đưa ra thị trường với đầy đủ biên lai “Phí kiểm soát giết mổ”, giấy tờ do Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) cấp phát.
Ông Em nói: “Ở đây không đóng dấu kiểm dịch đâu, vì lợn bỏ hết da. Nhưng có biên lai là thịt chuyển đi được rồi”.
Ngay sát vách nhà ông Em là lò mổ của bà Thu, với quy mô tương tự. Một thanh niên làm việc tại lò mổ này xác nhận: “Nhìn qua là biết lợn yếu rồi”.
Tại đây, việc cho lợn bệnh vào mổ dù không công khai, nhưng cũng không phải chuyện hiếm, bởi người đàn ông này cho biết, chỉ cần “thương lượng được giá” thì lợn gì cũng có thể thịt.

Thịt lợn nghi nhiễm bệnh dễ dàng lọt lưới kiểm soát
Rạng sáng, phóng viên quay lại hai lò mổ. Qua quan sát, những con lợn nghi nhiễm bệnh được ghi nhận từ buổi chiều trước đó được xẻ thịt ngay tại chỗ, các tấm da sần sùi mẩn đỏ bị lột bỏ, phần thịt, mỡ và xương được lọc kỹ rồi chuyển đi tiêu thụ. Những thớ thịt đỏ au sau đó được tập kết tại nhiều nơi, trong đó, có chợ đầu mối Hải Bối được bày bán công khai như hàng “sạch”.
Quầy hàng của bà Thu là một trong những điểm bán lớn nhất tại đây. Khi phóng viên đề cập đến việc đưa lợn bị bệnh vào lò mổ, bà Thu ép giá: “Lợn yếu thì chị nhập cho 20.000 đồng/kg. Còn lợn khỏe thì giá khác, cao hơn nhiều”.
Theo quy định, quá trình giết mổ phải có sự giám sát của lực lượng thú y, thịt ra thị trường phải có dấu kiểm dịch rõ ràng. Thế nhưng, tại hai lò mổ nêu trên, toàn bộ quy trình ấy bị bỏ qua. Thay vào đó, chỉ cần một tờ biên lai thu phí là đủ “lách luật”.
Trong cuộc trao đổi trước đó với phóng viên, ông Em tiết lộ rằng, người cấp biên lai là… bạn của ông. Chính mối quan hệ cá nhân ấy đã trở thành “mắt xích” then chốt giúp số thịt lợn nghi nhiễm bệnh này đường hoàng đi vào chợ, rồi đến tay người tiêu dùng. Trong suốt quá trình ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, không một lực lượng chức năng nào xuất hiện tại hiện trường. Không ai kiểm tra chất lượng thịt trước khi rời lò, không có dấu kiểm dịch, không có bất kỳ biện pháp giám sát nào.