Châu Âu tính áp giá trần năng lượng, Nga tuyên bố ‘không tự bắn vào chân mình’
Điện Kremlin khẳng định rằng Nga sẽ không “tự bắn vào chân mình” trong trường hợp phương Tây áp giá trần lên dầu khí của nước này.
Phát biểu trong chương trình "Moscow.Kremlin.Putin" trên kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 27/1, đề cập tới việc châu Âu thời gian gần đây đang tìm tiếng nói chung cho việc áp giá trần lên dầu mỏ và khí đốt Nga, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh:
“Chúng tôi hành động dựa trên tuyên bố của Tổng thống Putin rằng Nga sẽ không giao dịch dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm từ dầu mỏ với những quốc gia áp dụng giá trần”.
Ông Peskov khẳng định thêm rằng Nga đang theo dõi các cuộc thảo luận liên quan đến giá trần và cần xem xét thêm nhiều khía cạnh liên quan đến vấn đề này.
“Có thể khẳng định chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không tự bắn vào chân mình. Chúng tôi đã học được cách hành xử hợp lý, và theo đuổi lợi ích quốc gia”, ông Peskov nói.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani ngày 25/11, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng việc một số nước phương Tây tìm cách áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga là trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Trước đó, theo truyền thông phương Tây, các nước EU đang thảo luận về khả năng áp mức giá trần dầu mỏ của Nga trong khoảng 65 - 70 USD/thùng.
Trong khi các quốc gia nhận được một phần thu nhập đáng kể từ hoạt động vận chuyển dầu trên biển như Hy Lạp, Cyprus và Malta cho rằng ngưỡng này quá thấp và có nguy cơ làm suy yếu thương mại dầu mỏ thế giới thì các nước như Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng mức 65-70 USD/thùng sẽ khiến Nga thu lợi nhuận lớn, vì chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.
Hiện dầu thô Urals của Nga bán cho khách hàng Tây Âu đang giao dịch ở mức 62-63 USD/thùng, và giá bán cho khách ở khu vực Địa Trung Hải nhỉnh hơn, trong khoảng 67-68 USD/thùng, theo dữ liệu từ Refinitiv.
Vì không thể đi đến thống nhất, các nước thành viên EU đã phải hoãn đàm phán về việc thiết lập mức giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga để "các nhà ngoại giao châu Âu có thêm thời gian khắc phục sự khác biệt".
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đưa ra đề xuất giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất hai tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng hơn 58 euro trong 10 ngày cùng thời gian đó.
Tuy nhiên, một cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Năng lượng EU tại Brussels (Bỉ) hôm 24/11 vừa qua, nhiều Bộ trưởng năng lượng EU đã chỉ trích đề xuất mới nhất của EC về việc thiết lập mức giá trần khí đốt trên toàn EU, gọi nó là không phù hợp, không thực tế. Trong số các nước châu Âu thì 15 nước muốn áp giá trần khí đốt nhưng phải là một mức giá thấp chứ không cao như EC đề xuất.
Xem thêm >> Châu Âu nói Mỹ là ‘ngư ông đắc lợi’ từ xung đột Nga-Ukraine