Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may
Với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng trưởng gần 11% so với năm 2023, Việt Nam có khả năng vượt Bangladesh đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may.
Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, phong trào công nhân lao động 2024 - định hướng 2025 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam sáng 25/12, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng giám đốc Tập đoàn cho hay, với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng trưởng gần 11% so với năm 2023, Việt Nam có khả năng đứng ở vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may.
Ông Hiếu cũng thông tin thêm, doanh nghiệp dệt may trong nước trải qua năm 2023 rất vất vả, lần đầu tiên sau 30 năm kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm. Bước vào những tháng đầu năm 2024, thị trường vẫn rất khó khăn khi kinh tế thế giới tiếp tục giảm, lạm phát tăng, bất ổn chính trị với nhiều điểm nóng phát sinh, đặc biệt cầu không tăng. Đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe, thời gian giao hàng nhanh và đơn giá rất thấp.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và định hướng năm 2025. Ảnh: Nguyễn Kiên |
6 tháng cuối năm có sự đảo chiều bất ngờ nhưng không phải do thị trường tốt lên đột xuất mà do bất ổn chính trị ở một số thị trường đối thủ như Bangladesh, các nhà đặt hàng chuyển hướng đơn hàng và Việt Nam được ưu tiên lựa chọn. Từ tháng 7/2024, đơn hàng dồi dào hơn, giá cải thiện hơn một chút. Theo ông Hiếu, đây có thể coi là điều may mắn với doanh nghiệp ngành may.
“Bangladesh là thị trường sản xuất hàng phổ thông nên giá không cải thiện nhiều, nhưng số lượng đơn lớn hơn rất nhiều. Điều này giúp doanh nghiệp ngành may nói chung, Tập đoàn nói riêng có nhiều đơn hàng từ tháng 7-12/2024”, ông Hiếu thông tin. Đồng thời cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý I/2025, lác đác doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 4 và 5/2025.
Ngoài những điểm đặc biệt về đơn hàng, năm 2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng doanh nghiệp dệt may nói chung còn gặp khó về biến động lao động. Có những đơn vị thuộc Tập đoàn biến động tới 20%. “Biến động lao động dự kiến tiếp tục diễn ra trong năm 2025 không chỉ ở ngành may, mà ở cả ngành sợi”, ông Hiếu nhấn mạnh. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu lao động là người lao động bỏ việc đi xuất khẩu lao động.
Có thể thấy, năm 2024 doanh nghiệp dệt may trong nước đã trải qua nhiều khó khăn, tuy nhiên với nỗ lực từ doanh nghiệp và đầu tư chuẩn bị từ những năm trước, doanh nghiệp dệt may đã vượt qua và về đích năm với kết quả tương đối khả quan.
Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệuđồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Đặc biệt, Tập đoàn đã bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hang.
Ngoài kết quả sản xuất, kinh doanh, điểm nổi bật của Tập đoàn trong năm 2024 tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói, đưa Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex vào hoạt động; khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương Quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới; triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số…
Sang năm 2025, theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính lớn và kết quả tăng trưởng của một số thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam thị trường dệt may có chiều hướng tốt hơn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đang ‘nóng lòng’ theo dõi chính sách của Mỹ sau khi ông Donal Jonh Trump lên điều hành. Mỹ có thể thực hiện chính sách thuế mới với Trung Quốc lên tới 60%, một số nước từ 10-20%. Với khả năng đó Việt Nam có khả năng chịu thêm 10% thuế với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này.
Phân tích thêm về thách thức của dệt may Việt Nam nếu Mỹ đánh thuế thêm 10% với hàng hoá, ông Hoàng Mạnh Cầm- Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, trường hợp có bị đánh thuế thêm ngành dệt may Việt Nam về dài hạn sẽ không có quá nhiều khó khăn. Thậm chí Việt Nam có thể san bằng giá với hàng Trung Quốc.
Về luồng hàng dịch chuyển từ Bangladesh về Việt Nam hay các chính sách thuế mới của Mỹ, đại diện Tập đoàn lưu ý, doanh nghiệp cần phải ứng xử khéo léo tránh tình trạng trở thành điểm ‘né’ thuế của các nhà đầu tư.