Tăng cường xử lý vi phạm trên sàn thương mại điện tử
Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn và giải quyết triệt để tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử trong giai đoạn 2024 và 5 tháng đầu năm 2025.
Cụ thể, các hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định…
Qua đó, cơ quan này đã tạm giữ 128.999 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… có tổng trị giá hơn 8,8 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Giao diện sàn Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng đang bán nhiều sản phẩm hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng Việt |
Hiện nay, công tác quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng còn gặp nhiều thách thức do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ.
Để ngăn chặn và giải quyết triệt để tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử, Sở Công thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, Sở tham mưu hoàn thiện chính sách quản lý để bổ sung, sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử theo hướng phù hợp với thực tiễn, trong đó có việc quản lý tài khoản ảo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe.
Cùng với đó, Sở tăng cường kết nối liên ngành, liên tỉnh, bởi việc xử lý vi phạm trên không gian mạng đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và liên tỉnh, do nhiều đối tượng kinh doanh từ địa phương khác hoặc nước ngoài điều hành hoạt động tại TP Hồ Chí Minh.
Công tác tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật và tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết, tố giác hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên không gian mạng cũng được Sở tích cực triển khai.
Đồng thời, cơ quan này tiếp tục đầu tư, phát triển và sớm đưa vào vận hành một cách hiệu quả công cụ thu thập, phân tích hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn nhằm mục tiêu cung cấp thông tin đầu vào quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước; qua đó giúp các hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Sở Công thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6 để đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo.