Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ
Trong những năm gần đây, nông dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có thu nhập ổn định nhờ vú sữa liên tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ.
Nông dân hưởng lợi từ xuất khẩu vú sữa
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.300 ha cây vú sữa, trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Kế Sách với diện tích hơn 2.200 ha, sản lượng khoảng 34.000 tấn/năm. Trong đó, giống vú sữa tím có diện tích 1.493 ha, chiếm gần 68% tổng diện tích trồng vú sữa. Từ niên vụ 2018 đến nay, sản phẩm vú sữa tím được các hợp tác xã cung ứng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng bình quân khoảng 120 tấn/năm, cung cấp cho phân khúc chất lượng cao ở thị trường trong nước hàng trăm tấn mỗi năm.
Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, vú sữa của huyện Kế Sách còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác như Úc, Singapore, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Trần Văn Thái, một trong những nhà vườn trồng vú sữa tại xã Trinh Phú (huyện Kế Sách), chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng vú sữa để bán cho các tiểu thương trong nước, giá bấp bênh, thậm chí có thời điểm chỉ có 5.000 đồng/kg. Nhưng từ khi tham gia vào hợp tác xã và xuất khẩu sang Mỹ, giá bán vú từ 35.000 - 50.000 đồng tùy thời điểm. Nhờ đó, gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều”.
Nhờ xuất khẩu vú sữa, ông Thái kỳ vọng sẽ thu về khoảng 150 triệu đồng mỗi ha trong vụ này, tăng gấp ba lần so với trước khi vú sữa được xuất khẩu. Cũng giống như ông, nhiều nhà vườn ở huyện Kế Sách đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất chuyên nghiệp, theo hướng hữu cơ và ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Trong thời gian qua, sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo nên một chuỗi giá trị bền vững cho vú sữa Sóc Trăng. Ông Hồ Văn Hội -Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú, xã Trinh Phú (huyện Kế Sách) - chia sẻ: “Chúng tôi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T với giá ổn định, cao hơn 20 - 50% so với thị trường”.
Vú sữa tím được chọn lựa, phân loại trước khi đóng gói xuất khẩu. |
Ông Hội cho biết thêm, vú sữa theo mùa vụ sẽ thu hoạch trái vào tháng 11 dương lịch và đến tháng 1 năm sau là hết mùa vụ. Tuy nhiên, khi áp dụng rải vụ sẽ kéo dài mùa vụ cho trái và thu hoạch đến hết tháng 4. Trái vú sữa nghịch vụ có giá từ 45.000 - 65.000 đồng/kg, lúc chính vụ có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Nhờ sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp xuất khẩu giúp nông dân Sóc Trăng tránh được tình trạng giá bấp bênh, đồng thời đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, Sóc Trăng đã cấp mã số vùng trồng cho hơn 190 ha vú sữa để phục vụ cho xuất khẩu, đặc biệt là sang Hoa Kỳ. Tỉnh cũng đang thúc đẩy các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chất lượng vượt trội, đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính
Vú sữa tím của huyện Kế Sách nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung có vỏ mỏng, màu tím đặc trưng, thịt quả dày, vị ngọt thanh, cùng hương thơm dịu nhẹ. Cây vú sữa trồng tại vùng đất phù sa ven sông Hậu với khí hậu mát mẻ đã giúp tạo nên sản phẩm đạt chất lượng vượt trội, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
. Ông Hồ Văn Hội - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú - thăm vườn vú sữa tím. |
Tuy nhiên, để đáp ứng xuất khẩu, việc nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để trái vú sữa đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật luôn được chú trọng.
Ông Hồ Văn Hội cho biết: “Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú đang trồng chuyên canh cây vú sữa tím, với diện tích 32ha, sản lượng hơn 480 tấn/năm và toàn bộ diện tích trên đã được cấp mã số vùng trồng. Để đảm bảo trái an toàn phục vụ thị trường xuất khẩu, toàn bộ diện tích canh tác theo quy trình VietGAP, trong đó, có 10ha đang sản xuất theo hướng hữu cơ. Cùng với các quy trình canh tác đảm bảo trái vú sữa sạch, hợp tác xã còn thực hiện quy trình bao trái và áp dụng kỹ thuật canh tác rải vụ”.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú cho biết thêm, hiện, bà con nông dân đã chuyển sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe mà còn có hình thức bắt mắt, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Việc hình thành các chuỗi liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu đã giúp nông dân ổn định đầu ra, tránh tình trạng "được mùa, mất giá".
Trong những năm gần đây, nhờ vào xuất khẩu vú sữa sang các thị trường quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, nông dân tỉnh Sóc Trăng đã cải thiện đáng kể thu nhập và đời sống. Cây vú sữa, đặc biệt là giống vú sữa tím, không chỉ trở thành cây trồng chủ lực của huyện mà còn là sản phẩm xuất khẩu chiến lược, mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân địa phương.
Để nâng cao giá trị trái vú sữa, ngành nông nghiệp địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ trên cây vú sữa, hướng đến sản phẩm sạch, an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính. Địa phương cũng đã tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị cho trái vú sữa và đem lại thu nhập cao cho nông hộ.