Ngành bia trên thương mại điện tử đầu 2024: Tiềm năng tăng trưởng lớn
Trong bối cảnh thị trường ngành bia đối mặt với khó khăn từ hành vi thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và siết chặt của nghị định 100, vẫn có một số doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ vào chất lượng sản phẩm, ứng dụng Big Data và xây dựng chiến lược kinh doanh nhạy bén, bắt kịp xu thế tiêu dùng.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong nhiều năm trở lại đây. Theo báo cáo quý I/2024 của Metric, tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến đã tăng 78,69% so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tiếp tục cho thấy sự phát triển ổn định khi đạt tổng doanh thu 23 nghìn tỷ đồng, tăng 57%.
Trong các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bia – nhóm sản phẩm tưởng như khó kinh doanh trên các sàn TMĐT do đặc thù ngành hàng hạn chế độ tuổi và chính sách thắt chặt trên các nền tảng TMĐT, vẫn thể hiện những dấu hiệu khả quan về tiềm năng phát triển. Trong 5 tháng đầu năm 2024, đồ uống có cồn đem về hơn 90 tỷ cho các nhà bán, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ 2023. Sự phát triển này phần lớn nhờ vào sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và xu hướng mua sắm trực tuyến của khách hàng.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua sắm trực tuyến do sự đa dạng và tính tiện lợi của dịch vụ giao hàng, đặc biệt với những mặt hàng có trọng lượng lớn như bia. Hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng có xu hướng thay đổi rõ rệt: đã uống rượu bia thì không lái xe cùng, tiêu thụ đồ uống có cồn tại nhà, … cũng là điều kiện thuận lợi để các thương hiệu bia đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến.
Anh Nguyễn Sơn - nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ: "Trước khi việc thổi nồng độ cồn khi tham gia giao thông diễn ra, tôi rất hay tụ tập anh em bạn bè ở quán bia sau mỗi giờ tan ca. Tuy nhiên, kể từ khi có quy định, anh em chúng tôi chuyển địa điểm ăn uống về nhà, vừa an toàn vừa ấm cúng. Tôi hay lựa chọn đặt mua bia trên các sàn TMĐT vì tiện lợi, đỡ phải mang vác và có nhiều ưu đãi".
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua sắm trực tuyến do sự đa dạng và tính tiện lợi của dịch vụ giao hàng, đặc biệt với những mặt hàng có trọng lượng lớn như bia.
Thương mại điện tử - Sân chơi hấp dẫn cho các thương hiệu kinh doanh và sản xuất bia
Thị trường cung ứng bia truyền thống gặp nhiều khó khăn với những quy định mới và thói quen mới của người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải đối diện với những thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng. Giữa bối cảnh đó, TMĐT là một "mảnh đất" đầy tiềm năng. HABECO - một trong những thương hiệu bia lâu đời và uy tín tại Việt Nam, đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc: 6 tháng đầu năm 2024 sản lượng tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ 2023. Đây là sự phát triển ấn tượng, minh chứng cho chiến lược kinh doanh nhạy bén bắt kịp xu thế tiêu dùng hiện đại của HABECO.
Anh Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh của Nền tảng dữ liệu TMĐT Metric đã phân tích 2 yếu tố thành công của thương hiệu khi tham gia kênh bán thương mại điện tử: "Yếu tố đầu tiên, cũng là yếu tố quan trọng nhất chính là thương hiệu và sản phẩm. Nền tảng thương hiệu vững chắc, sản phẩm chất lượng là yếu tố tiên quyết để khách hàng cân nhắc mua sản phẩm thông qua nền tảng TMĐT." Sở hữu hàng loạt sản phẩm quốc dân như Bia Hà Nội, Bia Hơi Hà Nội, Bia Trúc Bạch, HABECO đã chủ động xây dựng các giải pháp thị trường hiệu quả để tiến vào sân chơi TMĐT, khai thác cơ hội tiềm năng trên nền tảng này.
Yếu tố thứ hai chính là sự nắm bắt và thích ứng nhanh nhạy với các xu hướng của thị trường và chuyển biến trong nhu cầu của khách hàng trên TMĐT. TMĐT là nền tảng có tính cạnh tranh cao và tốc độ thay đổi chóng mặt. Đâu là thời điểm nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng lên và là thời cơ để thương hiệu bứt phá? Dữ liệu chính là "chìa khoá" để thương hiệu mở ra "cánh cửa" tăng trưởng.
Theo Metric - nền tảng số liệu Ecommerce tiên phong cung cấp giải pháp tổng hợp và phân tích dữ liệu thương mại điện tử, các sự kiện đặc biệt như Tết Nguyên Đán và các giải bóng đá quốc tế lớn như EURO chính là những thời điểm nhu cầu mua sắm các sản phẩm đồ uống có cồn trên sàn TMĐT tăng lên. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng này, thương hiệu có thể nhanh chóng đưa ra những chiến lược, kế hoạch thực thi kịp thời, hiệu quả, nắm bắt "cơ hội vàng" để bứt phá.
Biểu đồ tăng trưởng của ngành hàng đồ uống có cồn 5 tháng đầu năm 2024 (theo số liệu của Metric). Metric là đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp tổng hợp và phân tích dữ liệu thương mại điện tử, giúp các thương hiệu như HABECO "làm chủ" cuộc chơi trên nền tảng đầy tiềm năng này.
Thị trường đồ uống cung ứng bia trên TMĐT được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Để gia nhập sân chơi này một cách hiệu quả, bên cạnh yếu tố tiên quyết phát triển sản phẩm và thương hiệu, việc chú trọng sử dụng Big Data và AI để phân tích thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xác định chiến lược kinh doanh, nắm bắt cơ hội, thực hiện những chiến dịch truyền thông tiếp thị hiệu quả để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Ánh Dương