• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 9, Nga là điểm sáng hiếm hoi

Thương mại của Trung Quốc sụt giảm trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu mờ nhạt đối với hàng hóa Trung Quốc còn nhu cầu nội địa thì trầm lắng. Nga là quốc gia duy nhất cho thấy sự tăng trưởng cả về xuất khẩu và nhập khẩu hàng Trung Quốc so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính theo đồng USD, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức dự báo giảm 7,6% của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Nhập khẩu cũng ghi nhận giảm 6,2% so với cùng kỳ, cao hơn một chút so với mức giảm 6% mà cuộc thăm dò của Reuters đưa ra.

Từ tháng 5 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng của Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo tính toán dữ liệu chính thức của CNBC, tác nhân chính của sự suy giảm này đến từ Liên minh châu Âu (EU) khi khối này giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ hiện là là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc xét trên cơ sở một quốc gia, trong khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gần đây đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở khu vực.

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 16,4%, trong khi nhập khẩu giảm 6%. Theo báo cáo của cơ quan hải quan Trung Quốc, Nga là quốc gia duy nhất cho thấy sự tăng trưởng cả về xuất khẩu và nhập khẩu hàng Trung Quốc so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính theo danh mục sản phẩm, xuất khẩu ô tô toàn cầu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhanh nhất, tăng 64,4% tính theo đơn vị so với một năm trước trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, tốc độ này chậm hơn tốc độ 69% trong năm được ghi nhận tính đến tháng 8.

Xuất khẩu tàu thuyền của Trung Quốc cũng đã tăng tốc từ tháng 8 khi tăng 16,2% trong quý III vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng nhập khẩu mỹ phẩm của Trung Quốc đã giảm 14,2% trong 9 tháng. Khối lượng nhập khẩu dầu thô tăng 14,6% trong cùng giai đoạn.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại

Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch Covid-19 đã chậm lại trong vài tháng qua, do sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2023 xuống 5% từ mức 5,2%, trong khi vẫn duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3% trong năm nay. Nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,5% trong năm ngoái.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ và châu Âu trong vài năm qua, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường thương mại với các đối tác khu vực ở Đông Nam Á, cũng như các nước tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Đây là nỗ lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng khu vực như cảng và đường sắt do Trung Quốc dẫn đầu.

Tính đến cuối tháng 9, Trung Quốc cho biết họ có tàu chạy tới 217 thành phố ở 25 nước châu Âu. Các quan chức Trung Quốc cho biết trong tuần này rằng hàng hóa vận chuyển dọc theo các tuyến đường sắt này chiếm 8% thương mại Trung Quốc-EU vào năm 2022, tăng từ 1,5% vào năm 2016.

Trung Quốc cũng tuyên bố xuất nhập khẩu với các nước đối tác Vành đai và Con đường đạt 19,1 nghìn tỷ USD từ năm 2013 đến năm 2022, với mức tăng trưởng thương mại trung bình hàng năm là 6,4%.

Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba dự kiến ​​sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tuần tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến ​​sẽ tham dự.

Xem thêm >> Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại hiếm sản xuất chip, thế giới phải ‘trả giá đắt’


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật