• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn" giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội

Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Mặc dù số điểm ùn tắc vẫn còn khá lớn, song thành phố vẫn đang nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng này.

Hạ tầng không bắt kịp tốc độ phát triển

Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội đã có sự thay đổi tích cực, từng bước được đồng bộ, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Hàng loạt tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị và nhiều công trình trọng điểm... hoàn thành và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, những dự án, công trình giao thông mới ngày nào khánh thành, đưa vào sử dụng đã gần như ngay lập tức rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm, dịp lễ, tết... Đường Vành đai 3 trên cao là một ví dụ điển hình với cảnh ùn tắc diễn ra với tần suất ngày càng cao. Nhiều tuyến phố từng được đánh giá có quy mô, hình mẫu năm nào với mặt đường rộng, dải phân cách lớn như Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng... cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự.

Không khó để lý giải nguyên nhân khiến ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp dù hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, phát triển. Đó là tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng dân số cơ học cao, lượng phương tiện cá nhân ngày càng lớn.

Tìm giải pháp tháo gỡ
Một “điểm nghẽn’’ ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Báo cáo thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 23.439,61km đường giao thông, trong đó Sở Giao thông Vận tải quản lý 2.331,72km; UBND cấp huyện quản lý: 21.107,891km. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,07%.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (trong đó: 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng hiện nay đạt được khoảng 17,8%.

Phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố tính đến tháng 11/2022, tổng số 7.784.657 phương tiện giao thông, trong đó ô tô 1.056.423, xe máy 6.545.317, xe máy điện 182.917, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; Diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được <1%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%.

Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải phát đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn”

Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; Ngã ba Tố Hữu – Vũ Trọng Khánh; Hầm chui Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến; Cầu Thường Tín trên đường Quốc lộ 1; Bạch Mai – Trương Định; Phạm Ngọc Thạch – Lương Đình Của; Cầu Lạc Trung – Kim Ngưu – Thanh Nhàn.

Với các nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông do mật độ giao thông cao, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao. Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tìm giải pháp tháo gỡ
Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT TP Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông

Cùng với đó, cần tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải…

Để cải thiện tình hình giao thông trong thời gian cuối năm, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với liên ngành tiếp tục tập trung công tác tổ chức giao thông xử lý 4 điểm ùn tắc giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám; Ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Khu vực cống Trung Văn; Nút giao Lê Quang Đạo - đường gom Đại lộ Thăng Long.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố Hà Nội theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến: Đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Đường Vành đai 3: Nút giao Pháp Vân - Ngọc Hồi - Giải phóng; nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng; Mai Dịch - cầu Thăng Long. Đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung: Nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung; nút giao Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến; nút giao Trần Phú - Phùng Hưng - Thanh Bình. Đường Âu Cơ, Nghi Tàm.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân năm 2023. Tập trung đôn đốc chủ đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố khẩn trương hoàn thiện một số hạng mục dở dang, tập kết máy móc về nơi quy định.

Sở cũng chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục bố trí lực lượng phối hợp thực hiện phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội tại các vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật