Lời cảnh báo sau chuyến thị sát dự án cao tốc của bộ trưởng giao thông
Tinh thần 'ai không làm đứng sang một bên' thể hiện rõ ở một buổi thị sát với những cảnh báo tiến độ thực tế khác so với báo cáo. Nếu không đạt được tiến độ, những người trực tiếp quản lý viết sẵn đơn xin nghỉ.
Đó là quyết tâm của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khi ông đến kiểm tra dự án cao tốc Bắc- Nam.
Bộ GTVT được Quốc hội, Chính phủ giao thực hiện nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Việc đảm bảo tiến độ đồng nghĩa với thúc đẩy nhiều mặt kinh tế - xã hội phát triển.
Trước đó, vào dịp đầu xuân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đi kiểm tra một loạt các dự án trọng điểm của ngành GTVT.
Thủ tướng đã trực tiếp tháo gỡ những khó khăn mà các ban quản lý dự án đề xuất và nhấn mạnh, đã giao việc, ai không thực hiện được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Điều đó thể hiện rõ quyết tâm, cách làm của Chính phủ và nay được Bộ trưởng Bộ GTVT thực thi.
Trong năm 2022, Bộ GTVT phải hoàn thành 4/10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Kiểm tra thực tế tại công trường thi công dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói rất sốt ruột do công trường thi công còn ngổn ngang, trong khi tổng thời gian theo tiến độ chỉ còn 1 tháng 10 ngày, nếu gặp mưa dễ dẫn tới vỡ kế hoạch.
Đáng nói, ông Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, tiến độ thực tế khác so với báo cáo.
“Báo cáo có vẻ rất ổn nhưng đi hiện trường thì thấy không ổn. Đây là công trình trọng điểm và khi kiểm tra thực địa, tôi rất sốt ruột về tiến độ dự án do quá trình thi công không đạt yêu cầu”, Bộ trưởng GTVT nói.
Phải mạnh tay với các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, đó là quyết tâm chính trị của người đứng đầu Bộ GTVT. “Nếu không đạt được thì những người trực tiếp quản lý viết sẵn đơn xin nghỉ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảnh báo.
Ông cho rằng, dự án chậm tiến độ không chỉ do nguyên nhân khách quan mà còn vì lỗi chủ quan của các nhà thầu và Ban Quản lý dự án. Do đó, ông yêu cầu phải loại bỏ tất cả các nhà thầu thực hiện không đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công, cần phải “cắt” nhà thầu, chuyển khối lượng từ nhà thầu yếu kém sang nhà thầu tốt hơn để làm gương.
Trước đây, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã từng có giải pháp mạnh tay như vậy. Nhà ga hàng không Đà Nẵng là một ví dụ. Khi nhà thầu không đảm bảo tiến độ, không thực hiện cam kết thì dứt khoát không được nể nang để kéo dài mà phải thay bằng nhà thầu chất lượng khác. Và thực tế nhà ga hàng không Đà Nẵng đã về đích đúng tiến độ.
Dự án Mai Sơn- Quốc lộ 45 nếu không chỉ đạo tích cực, việc về đích cũng rất khó khăn. Các hạng mục lớn như hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi cơ bản đã xong, đang đi vào giai đoạn cuối thảm nhựa. Hai cây cầu bắc qua Sông Chu và Sông Mã đã xong phần cầu, còn các hạng mục khác sẽ hoàn thành về đích.
Tuy nhiên, một số đoạn tuyến, đặc biệt là tuyến đi qua vùng đất yếu còn đang xử lý rất khó khăn. Các nút giao hay đường gom (4 nút) trên địa bàn Thanh Hoá còn rất ngổn ngang nhất là nút giao Đông Ninh (Quốc lộ 47). Nút giao này quan trọng cho cả khu vực thành phố Thanh Hoá đến Sân bay quốc tế Thọ Xuân. Tại đây, ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng 10 ngày nhưng công việc còn quá lớn, khó hoàn thành đúng tiến độ. Cần phải có những giải pháp mạnh và hiệu quả mới đạt tiến độ.
Chúng ta đã có tiền lệ xấu trong việc nương nhẹ những nhà thầu, các đơn vị liên quan khi không thực hiện đúng tiến độ. Các công trình giao thông công cộng ở hai thành phố lớn nhất cả nước liên tục chậm tiến độ đến hàng chục năm cho thấy cách làm còn thiếu kiên quyết, đồng bộ và nể nang.
Hy vọng việc người đứng đầu trực tiếp thị sát công trình, sát việc, có những chỉ đạo quyết liệt, cũng như những quyết sách mạnh sẽ thúc đẩy các công trình chậm, lụt tiến độ về đích đúng hẹn. Hơn cả là lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sự quyết liệt với công việc theo đúng phương châm: “Ai không làm đứng sang một bên”.